[CẢNH BÁO] 8 bẫy chết người khi ra quyết định lãnh đạo

Ra quyết định lãnh đạo là công việc quan trọng bậc nhất trong doanh nghiệp. Đây cũng là công việc khó khăn và mạo hiểm nhất, vì sự thật đáng sợ là những quyết định tồi có thể phá hoại một doanh nghiệp hay một sự nghiệp. Vậy đâu là những cái bẫy khiến người ta rơi vào tình trạng không thể cứu vãn được như thế?

Rất nhiều báo cáo chỉ ra rằng nguyên nhân của những lần ra quyết định sai lầm của lãnh đạo là do phương án không rõ ràng, thiếu thông tin chính xác, không cân đối được chi phí và lợi nhuận,…

Nhưng thực tế đôi khi lỗi lầm không nằm trong quá trình đưa ra quyết định mà nằm trong chính tư duy của người lãnh đạo đưa ra quyết định đó. Thật vậy, các nhà khoa học đã chứng minh cách vận hành não bộ có thể phá hỏng mọi quyết định của chúng ta.

Tư duy là nguyên nhân dẫn đến ra quyết định lãnh đạo sai lầm

Tư duy là nguyên nhân dẫn đến ra quyết định lãnh đạo sai lầm

Não hoạt động theo “cơ chế tự động” để giải quyết những phức tạp của việc đưa ra quyết định:

  • Tự động làm rõ bằng các kinh nghiệm quá khứ;
  • Tự động đánh giá bằng định kiến cá nhân;
  • Tự động áp đặt kết quả theo cảm xúc,…

Chính vì “cơ chế tự động” của não mà chúng ta không nhận ra những cái bẫy chết người trong quá trình ra quyết định. Chúng có thể gạt bỏ một chiến lược kinh doanh xác suất thành công cao, một kế hoạch phát triển sản phẩm kịp xu hướng hay chấp nhận che giấu những khoản lỗ ngày càng phình to. 

Đồng ý là không ai có thể xử lý dứt điểm các lỗ hổng cố hữu tồn tại trong con người chúng ta, nhưng ai cũng có thể tìm hiểu những chiếc bẫy này và học cách lấp đầy chúng.

1. Bẫy mỏ neo gây ra quyết định theo dữ liệu định sẵn của lãnh đạo

Đây là hiện tượng phổ biến khi xem xét ra quyết định, nhà lãnh đạo bị chú ý nhiều hơn bởi thông tin đầu tiên mà họ tiếp nhận. Điều này khiến chúng ta đặt trọng lượng không cân xứng với thông tin nhận được đầu tiên.

Một trường hợp điển hình xuất hiện bậy mỏ neo là trong đàm phán. Ví dụ như trong 1 buổi đàm phán thuê văn phòng, bên cho thuê đưa ra điều khoản cho thuê văn phòng hạng A tại tp.Hồ Chí Minh:

  • Thời gian thuê: 10 năm
  • Giá khởi điểm: 55 USD/m2/ tháng
  • Giá thuê hàng năm tăng theo mức lạm phát
  • Người thuê chịu trách nhiệm trang trí nội thất.

Bên thuê đàm phán ở mức giá tầm trung (30 USD/m2/ tháng) và đề nghị bên cho thuê chia sẻ chi phí trang trí nội thất, các điều khoản khác đồng ý. Dĩ nhiên là trong mùa văn phòng cho thuê ế ẩm vì dịch bệnh Covid, bên cho thuê đồng ý ngay.

Như vậy, bên thuê đã rơi vào bẫy mỏ neo do bên cho thuê giăng sẵn. Đáng lý ra, họ vẫn có thể tiết kiệm nhiều hơn nếu đề nghị giới hạn mức tăng giá vào các năm sau, điều chỉnh mức tăng giá 2 năm/ lần, hoặc giảm giá khởi điểm thấp hơn nữa,… 

Cách giảm tác động của bẫy mỏ neo khi ra quyết định lãnh đạo:

  • Luôn xem xét, trao đổi vấn đề với nhiều người dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
  • Tránh trở thành mỏ neo khi người khác nhờ tư vấn, hãy nói càng ít ý nghĩa, dự định của bạn về vấn đề.
  • Tùy theo vai trò trong đàm phán, có thể cảnh giác hoặc lợi dụng mỏ neo để đạt được mục tiêu.

    Bẫy mỏ neo gây ra quyết định theo dữ liệu định sẵn của lãnh đạo

Bẫy mỏ neo gây ra quyết định theo dữ liệu định sẵn của lãnh đạo

2. Bẫy duy trì nguyên trạng dẫn đến ra quyết định kém đổi mới sáng tạo của lãnh đạo

Nguồn gốc của việc duy trì nguyên trạng xuất phát từ mong muốn bảo vệ cái tôi của mỗi người.

Và sai lầm từ việc ra quyết định lãnh đạo đến từ bẫy duy trì nguyên trạng đôi khi được xem nhẹ hơn là hành động thay đổi dẫn đến những tổn thất, nên cái bẫy mang tên an toàn này thường hay được bỏ qua.

Nhưng, đã có những bài học đắt giá đến từ những chiếc bẫy duy trì nguyên trạng gây rúng động thế giới như sự sụp đổ của tượng đài phim ảnh Kodak hay đế chế điện thoại di động Nokia.

     Bẫy duy trì nguyên trạng dẫn đến ra quyết định lãnh đạo thất bại

Bẫy duy trì nguyên trạng dẫn đến ra quyết định lãnh đạo thất bại

Do đó, bạn hãy nhớ trước khi đưa ra một quyết định với vai trò là nhà lãnh đạo thì bạn hãy tự hỏi xem đó có phải là phương án khiến bạn không thể thoát ra khỏi vùng thoải mái hay không?

Khi đã ý thức được sự tồn tại của bẫy duy trì nguyên trạng, bạn có thể áp dụng các phương pháp dưới đây để giảm mức độ ảnh hưởng của nó:

  • Luôn nhắc nhở mục tiêu của bản thân, doanh nghiệp là gì? Liệu giữ nguyên hiện trạng có làm ảnh hưởng đến mục tiêu hay không?
  • Đưa ra thêm nhiều lựa chọn khác bên cạnh lựa chọn duy trì hiện trạng;
  • Tránh phóng đại nỗ lực và chi phí nếu thay đổi hiện trạng;
  • So sánh mong muốn giữ nguyên trạng ở hiện tại với tương lai, xem tới một thời điểm trong tương lai, chúng ta có thay đổi mong muốn đó nữa không?  

3. Bẫy chi phí chìm khiến ra quyết định che giấu sai lầm trong quá khứ của lãnh đạo

Những quyết định trong quá khứ của chúng ta được gọi là chi phí chìm, bởi vì một khi đã xảy ra thì không thay đổi được nữa. 

Tuy nhiên, khi khoản chi phí này trở thành gánh nặng trong hiện tại nhưng chúng ta không trút bỏ mà cố ý che giấu vì không chịu thừa nhận sai lầm thì nó trở thành cái bẫy.

Một ví dụ hay bắt gặp của bẫy chi phí chìm là các vụ án liên quan đến việc ra quyết định giải ngân trái quy định của các lãnh đạo ngân hàng.

Sau khi giải ngân một khoản tín dụng được cho là hợp lý hợp lệ trong quá khứ, các lãnh đạo ngân hàng cho rằng đó là khoảng đầu tư an toàn và sinh lợi. 

Bỗng dưng một ngày nào đó, món tín dụng có nguy cơ trở thành nợ xấu vì người vay mất khả năng chi trả gốc và lãi. Để tránh thừa nhận sai lầm về khoản nợ có nguy cơ này, lãnh đạo ngân hàng cùng các cấp dưới tiến hành giãn nợ, đáo hạn, nâng giá trị tài sản thế chấp, tăng hạn mức tín dụng,…Thế là họ chính thức trở thành nạn nhân của bẫy chi phí chìm. Và cuối cùng, “khi thủy triều rút đi, người ta sẽ thấy ai bơi không áo tắm” (Warren Buffett).

Warren Buffett khuyên tránh ra quyết định lãnh đạo lún sâu bẫy

Warren Buffett khuyên tránh ra quyết định lãnh đạo lún sâu bẫy

Đại án kinh điển minh họa cho bẫy chi phí chìm là EPCO Minh Phụng, liên lụy đến 18 quan chức cấp cao ngành ngân hàng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế Châu Á thập niên 90.

Bẫy chi phí chìm khiến ra quyết định che giấu sai lầm lãnh đạo

Bẫy chi phí chìm khiến ra quyết định che giấu sai lầm lãnh đạo

Để tránh bị cái bẫy kiểu này khống chế trước khi ra quyết định, nhà lãnh đạo thử các phương pháp sau:

  • Thẳng tay xử lý nguyên nhân vì sao bản thân khó chịu khi thừa nhận sai lầm;
  • Lắng nghe ý kiến của những người không liên quan đến quyết định;
  • Cân nhắc hậu quả của bẫy chi phí chìm trong việc quyết định bao gồm cả lãnh đạo các cấp và nhân viên có liên quan;
  • Đừng tạo nên văn hóa sợ thất bại để nhân viên sợ thừa nhận sai lầm của mình.

4. Bẫy tìm kiếm chứng cứ để biện minh cho việc đưa ra quyết định của lãnh đạo là đúng đắn

Đây là loại bẫy cũng xuất phát từ cái tôi chủ quan, với mong muốn tìm kiếm bằng chứng để chứng minh quan điểm của người ra quyết định là đúng đắn. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu thập thông tin và cả cách nhìn nhận chứng cứ thu được. Theo đó, chúng ta – với cái tôi luôn đúng của mình – có xu hướng xem trọng những thông tin ủng hộ và xem nhẹ những thông tin đối nghịch.

Ví dụ về bẫy tìm kiếm chứng cứ để biện minh rất hay xảy ra trong quá trình phân tích SWOT để ra quyết định lựa chọn chiến lược cho kế hoạch hàng năm của lãnh đạo.

Đó là khi đánh giá các yếu tố cấu thành SWOT: điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), Cơ hội (Opportunities) và Thách thức (Threats), chúng ta thường hay nêu ra luận điểm mà chúng ta cho rằng là đúng và một vài bằng chứng đính kèm luận điểm đó. 

Chẳng hạn như một thông tin được xem là cơ hội đối với một công ty bất động sản là tình hình bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp đang nóng dần lên, chuẩn bị cho đợt xả hơi sau kỳ nghỉ dịch Covid kéo dài.

Chúng ta hoan hỉ tìm kiếm những bằng chứng chứng minh lập luận đó là đúng và ra quyết định lãnh đạo tăng cường đầu tư, mà quên đi nguy cơ khác đến từ Covid có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế.

Chứng cứ biên minh khiến lầm tưởng ra quyết định lãnh đạo đúng

Chứng cứ biện minh khiến lầm tưởng ra quyết định lãnh đạo đúng

Nhằm tránh việc đưa ra những quyết định lãnh đạo từ những chiếc bẫy tìm kiếm chứng cứ để biện minh, chúng ta nên:

  • Luôn cân nhắc xem các bằng chứng có đủ công bằng chưa?
  • Khi thấy một người luôn đồng ý với quan điểm của bạn, cố gắng tìm người khác đáng tin cậy để đưa ra những lập luận chống lại quyết định của bạn;
  • Trung thực về động cơ thu thập thông tin của chính mình, nó có đang giúp bạn đưa ra một quyết định khôn ngoan hay không? hay nó chỉ đang ủng hộ những gì bạn nghĩ là đúng? 
  • Tốt nhất tự xây dựng cơ chế tự phản biện bằng cách tự hỏi “tại sao” 3 lần trước khi quyết định.

5. Bẫy tạo khung khác nhau đưa đến kết quả khác nhau của việc ra quyết định lãnh đạo

Bước đầu tiên của quá trình ra quyết định lãnh đạo là tạo khung câu hỏi. Đây cũng là bước nguy hiểm nhất. Cách tạo khung vấn đề sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến lựa chọn bạn đưa ra.

Ví dụ bạn có 5000 USD trong tài khoản và mang đi đầu tư chứng khoán.

Có 2 khung câu hỏi để kiểm tra tâm lý của bạn:

  • Khung 1. Bạn có chấp nhận cơ hội 50 – 50 tức là hoặc mất 650 USD hoặc thêm 1250 USD trong tài khoản?
  • Khung 2. Bạn lựa chọn giữ nguyên 5000 USD trong tài khoản hoặc nhận cơ hội 50 – 50, tức là chỉ còn 4.350 USD hoặc có 6.250 USD trong tài khoản?

Theo khảo sát thì rất nhiều người không chọn phương án của khung thứ nhất nhưng lại đồng ý chọn phương án 50 – 50 của khung thứ hai, dù giá trị của cả 2 khung là như sau. Lý do vì sao?

Đó là vì 2 khung xây dựng trên 2 điểm tham chiếu khác nhau:

  • Khung 1. Điểm tham chiếu bằng 0, nhấn mạnh phần tăng/ giảm. Nó vô tình kích hoạt tâm lý bảo thủ của con người.
  • Khung 2. Điểm tham chiếu là 5000USD, nhấn mạnh tác động tài chính trực tiếp lên quyết định. Thế là người ta người ta chọn khi thấy lợi ích rõ ràng.  

Một ví dụ về thông điệp lựa chọn khung tham chiếu thông minh của Amazon là trở thành những người làm việc để tính phí ít hơn thay vì cố tính phí nhiều hơn cho khách hàng. Họ đã thành công trong việc thu hút sự ủng hộ của khách hàng trên khắp thế giới.

Khung tham chiếu tốt giúp ra quyết định lãnh đạo đúng đắn

Khung tham chiếu tốt giúp ra quyết định lãnh đạo đúng đắn

Bẫy tạo khung cũng liên quan đến các bẫy tâm lý khác trong quá trình ra quyết định lãnh đạo. Một khung vấn đề có thể tạo ra bẫy duy trình hiện trạng hoặc hình thành một mỏ neo. Nó có thể nhấn mạnh chi phí chìm hoặc dẫn bạn đi tìm chứng cứ để biện minh. 

Do đó, nếu không tỉnh táo lựa chọn khung phù hợp sẽ kéo theo hàng loạt rắc rối chồng chéo khác.

Nhưng tin tốt là bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào của việc tạo khung cũng có thể được hạn chế nhờ những cách sau:

  • Luôn cố gắng tạo khung vấn đề nhiều cách và tìm những hệ quả xấu từ các khung.
  • Thử đặt vấn đề dưới một góc độ trung tính và bao gồm các điềm tham chiếu khác nhau.
  • Suy nghĩ kết quả sẽ ra sao nếu khung thay đổi.
  • Thử thách cách tạo nhiều khung khác nhau của người khác khi họ gợi ý đưa ra quyết định như một nhà lãnh đạo.

6. Những chiếc bẫy ước lượng và dự đoán có mức đe dọa cực cao đến kết quả ra quyết định lãnh đạo

6.1. Bẫy tự tin thái quá

Có một sự thật là phần lớn chúng ta không giỏi ước lượng hay dự đoán nhưng chúng ta hay tự tin thái quá về độ chính xác của mình. Điều này dẫn đến việc ra những quyết định lãnh đạo tồi tệ.

Bẫy tự tin thái quá có thể thấy rất rõ ràng trong thị trường giao dịch chứng khoán. Không hiếm nhà đầu tư mất trắng tiền vì dự đoán tăng/ giảm giá chứng khoán của chính mình (hoặc của người khác). 

Có khi họ ước lượng giá không đi vượt quá đường kháng cự (hiểu đơn giản là giới hạn trên) thì giá tiếp tục tăng mạnh khiến những lệnh đặt bán lỗ trong tích tắc. Ngược lại, khi đã tự tin với đường hỗ trợ mạnh (giới hạn dưới) và đặt mua thì giá cổ phiếu lại tiếp tục giảm sâu khiến tài khoản sụt giảm bất ngờ.

Tự tin thái quá ra quyết định lãnh đạo sai lầm không lường trước

Tự tin thái quá ra quyết định lãnh đạo sai lầm không lường trước

Chúng ta không thể tính toán chính xác khả năng thất bại nên cũng đừng bao giờ quá tự tin vào quyết định của mình mà hãy dành thời gian để quản lý rủi ro khi ra bất kỳ một quyết định nào, đặc biệt trong vai trò của một nhà lãnh đạo một tổ chức.

6.2. Bẫy cẩn trọng thái quá

Ngược lại với bẫy tự tin thái quá là bẫy cẩn trọng thái quá.

Khi đứng trước một quyết định mang tính đánh cược cao, chúng ta có xu hướng điều chỉnh ước lượng hoặc dự đoán của mình trong phạm vi an toàn. Nguyên nhân đến từ tư duy “giữ nguyên hiện trạng” hoặc quá sợ hãi sau những thất bại do hành động tự tin thái quá.

Đây là tâm lý rất thường gặp ở những người không thể đứng lên hoặc không dám đương đầu với mạo hiểm sau thất bại.

Nhưng thế giới này đang thay đổi rất nhanh chóng,”lộ trình duy nhất đưa bạn đến thất bại là không dám mạo hiểm”. Hãy đánh giá rủi ro một cách trung thực và tiến lên phía trước là cách để giúp bạn thích nghi và phát triển nhanh hơn tốc độ thay đổi của thế giới xung quanh. Đó là lời khuyên của Mark Zuckerberg dành cho bạn.

Cẩn trọng thái quá cũng ra quyết định lãnh đạo không hợp lý

Cẩn trọng thái quá cũng ra quyết định lãnh đạo không hợp lý

6.3. Bẫy gợi nhớ

Thậm chí ngay cả khi không quá tự tin cũng không quá thận trọng, chúng ta vẫn có thể rơi vào một cái bẫy khác khi dự đoán và ước lượng trước khi ra quyết định lãnh đạo. Đó là bẫy gợi nhớ.

Do thường đưa ra những dự đoán về tương lai dựa trên có dữ liệu trong quá khứ nên chúng ta hay lấy con số gây ấn tượng sâu sắc để phóng đại xác suất xảy ra của những sự kiện đang xem xét.

Chẳng hạn như bởi vì chúng ta đang chứng kiến sự tàn phá của Covid trên toàn cầu nên nhiều người cho rằng đó là đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, trên thế giới từ cổ chí kim đã chứng kiến các căn bệnh lấy đi sinh mạng có khi lên đến 1/2 dân số thế giới.

  • Bệnh dịch hạch Justinian: vào thế kỷ thứ 6, nạn dịch được ghi nhận lấy đi 50 triệu sinh mạng tương đương với một nửa dân số toàn cầu lúc bấy giờ.
  • Đại dịch cúm: khi bùng phát trên diện rộng vào năm 1918, tỷ lệ lây lan cứ 3 người là có 1 người bị cúm và gây tử vong khoảng 50 – 100 triệu người, vượt xa số người thương vong trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất (sự kiện xảy ra trong cùng thời kỳ)
  • HIV: căn bệnh đã từng được xem là căn bệnh thế kỷ 20, hiện vẫn chưa có thuốc ngừa; đã khiến 32 triệu người từ vong và 75 triệu người bị lây nhiễm. Hiện nay, số ca nhiễm không ngừng tăng thêm mỗi ngày.

Vậy làm sao để giảm thiểu tác động của các dữ liệu trong bẫy gợi nhớ khi ra quyết định lãnh đạo? Cố gắng không để ấn tượng dẫn lối và tìm những bằng chứng thống kê số liệu thực tế. 

Bẫy gợi nhớ dẫn đến ra quyết định lãnh đạo không khách quan

Bẫy gợi nhớ dẫn đến ra quyết định lãnh đạo không khách quan

Tóm lại, ra quyết định là công việc cực kỳ khó khăn của nhà lãnh đạo. Một quyết định sai dẫn đến sự sụp đổ có khi của cả một đế chế, một doanh nghiệp hay phá hủy cả cuộc đời một người, nhóm người.

Do đó, lúc nào cũng thận trọng, chuẩn bị đối phó trước các tình huống có thể xảy ra và quan trọng là rèn luyện bản thân tránh các cạm bẫy về tư duy là điều kiện tiên quyết để hình thành một phong cách ra quyết định điềm tỉnh của nhà lãnh đạo. 

 
Nguồn: Bài viết tham khảo từ các báo cáo về ra quyết định lãnh đạo thuộc bộ ấn phẩm Harvard Business Review (www.hbr.org.vn)

 

Đây là bài viết CHIA SẺ GIÁ TRỊ và KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG CÁC NHÀ KHỞI NGHIỆP CHUYÊN NGHIỆP của VINALINK. Để đồng hành cùng chúng tôi, mời bạn tham gia group….để hướng đến một nhà khởi nghiệp thành công.  

       

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *