Trồng cây rau ăn lá rất phổ biến hiện nay bởi Rau là một thành phần không thể thiếu trong bữa ăn gia đình, hơn nữa trồng cây rau ăn lá không cần quá nhiều kỹ thuật và lại nhanh cho thu hoạch. Tuy nhiên để đạt hiệu quả năng suất cao cũng cần áp dụng đúng kỹ thuật, đúng mùa vụ, và chuẩn bị các điều kiện tốt trước khi gieo trồng. Nếu còn chưa biết tiến hành công việc này như thế nào, hãy cùng tìm hiểu cách trồng rau qua bài viết dưới đây nhé.
Rau ăn lá là một thành phần không thể thiếu trong bữa ăn gia đình
Trước khi tiến hành các bước chuẩn bị để làm vườn, bạn cần xác định không gian trồng rau và lựa chọn được giống cây trồng phù hợp với không gian đó.
1. Xác định không gian trồng cây Rau ăn lá:
Trồng trên diện tích sân vườn:
Đây là điều kiện lý tưởng nhất nếu bạn có một khoảng vườn rộng và bạn không phải lo lắng về diện tích. Bạn có thể tự do bài trí thiết kế mảnh vườn của mình với số lượng rau để trồng tùy thích.
Trồng trên sân thượng:
Vườn rau sạch trên mái nhà (Sân thượng) là vị trí trồng rau sạch tốt và an toàn nhất. Việc chăm sóc vệ sinh cũng thuận tiện hơn nhiều, có ánh sáng tốt để cây phát triển tốt. Nơi không ô nhiễm, tránh chim, sâu bọ có hại cho việc trồng rau của bạn.
Cây rau được tận dụng trồng tại các ban công chung cư hay sân thượng
Trồng ban công nhà, chung cư:
Đối với những gia đình thành phố sống tại các khu Chung cư với diện tích hạn chế thì việc tận dụng khoảng không gian ngoài ban công để trồng rau là một ý tưởng tuyệt vời. Trồng rau sạch ban công không những cung cấp nguồn thực phẩm sạch mà còn có thể giải trí tiêu khiển và tạo không gian xanh cho ngôi nhà.
2. Lựa chọn giống cây trồng
Chọn hạt giống rau có chất lượng đã được kiểm chứng hoặc những hạt giống từ các nhà phân phối uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
Chọn loại hạt giống cây thích hợp đúng với các thời điểm trong năm: Mỗi loại rau sẽ thích hợp trồng với từng mùa khác nhau. Việc nắm rõ loại cây phù hợp theo từng mùa cũng như trồng đúng thời vụ giúp cho việc trồng cây sẽ nhàn hơn, cây phát triển tốt hơn và đạt năng xuất cao hơn.
Sau khi đã xác định được vị trí trồng rau và lựa chọn được hạt giống, cây trồng phù hợp, chúng ta có thể tiến hành các bước để làm vườn
Hạt giống cây trồng đảm bảo giúp cây phát triển tốt hơn và đạt năng xuất cao hơn
3. Các bước chuẩn bị làm vườn để trồng cây Rau ăn lá
3.1 Chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp và các dụng cụ làm vườn:
Những dụng cụ không thể thiếu khi làm vườn
Bạn cần chuẩn bị các loại dụng cụ làm vườn như: Găng tay, Cuốc, sẻng xúc đất, bàn cào đất, Hệ thống tưới nước, bình xịt nước…, Các loại vật tư như: Phân bón, Dụng cụ che chắn (Đối với những loại rau ưa mát, không chịu được ánh nắng gay gắt; Nếu trồng tại Ban công hay Sân thượng, bạn cần chuẩn bị thêm thùng xốp, chậu, khay, hệ thống giàn trồng…
3.2 Chuẩn bị đất trồng
Rau xanh sẽ sinh trưởng và cho sản lượng tốt nhất khi được trồng trong đất hữu cơ chất lượng cao. Tuyệt vời nhất là khi bạn có thể mang được đất phù sa về làm đất trồng rau. Nếu không, bạn vẫn có thể sử dụng đất vườn thông thường, sau đó tăng cường dinh dưỡng bằng phân hữu cơ.
Đất thích hợp để trồng rau ăn lá không bị phèn mặn độ pH thích hợp từ 5,5 – 6,5, tơi xốp thoát nước tốt như đất phù sa ven sông ít sét, đất thịt pha cát có nhiều chất hữu cơ
Làm đất:
Để đất trồng sạch vi khuẩn, bạn cần rắc vôi bột nông nghiệp và phơi đất dưới trời nắng trong ít nhất 7 ngày. Sau đó ta rải một lớp xác, bã thực vật như vỏ trấu, sơ dừa, có thể thêm cả xỉ than đập dập, phân truồng ủ hoai mục… sau đó tiến hành trộn đều cùng với đất trồng. Đất đã trộn xong nên ủ vài ngày rồi mới tiến hành trồng cây giống.
Diện tích trồng rau phải ở trên mặt đất bằng phẳng, đồng đều. Điều này sẽ đảm bảo nước được phân tán đều trong lô và mọi thứ phát triển đồng đều.
Đất trồng rất quan trọng cho sự phát triển của cây rau ăn lá
Chia ra thành các luống khác nhau để lấy lối đi, điều này cũng cho phép bạn trồng nhiều loại cây khác nhau trong vườn. Luống nên rộng từ 2-4 mét để dễ làm cỏ và xới xáo.
Nếu nhà bạn không có vườn, Vị trí bạn trồng rau tại sân thượng, ban công hay những nơi có vị trí trật hẹp khác, hãy mua đất về trồng hoặc lấy đất tại những vùng an toàn, môi trường xung quanh sạch sẽ.
Đất đạt chất lượng để trồng rau: Cần phải có độ tơi xốp, khả năng giữ nước và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.
3.3 Xử lý và Gieo hạt giống cây Rau ăn lá
Hạt giống tốt giúp tăng độ nảy mầm, tăng năng suất cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh của cây trồng. Để tăng khả năng nảy mầm cũng như rút ngắn thời gian nảy mầm. Bạn nên ngâm hạt giống vào nước nóng 2 sôi 3 lạnh từ 4-5 tiếng. Vớt ra ủ ẩm chờ khi hạt nứt nanh hãy đem gieo.
Gieo hạt giống ở độ sâu thích hợp và khoảng cách trồng vừa phải để rau không bị cạnh tranh chất dinh dưỡng.
5 Bước chuẩn bị khi làm vườn
3.4. Chăm sóc cây Rau ăn lá:
3.4.1 Tưới nước:
Việc tưới nước cho rau trồng nhằm đảm bảo độ ẩm cho bộ rễ và rửa sạch bụi bám vào bề mặt lá rau giúp cây quang hợp dễ dàng. Không để đất quá khô hay úng nước vì dễ ảnh hưởng đến sản lượng cũng như chất lượng của rau. Vào mùa nắng nóng thì tưới 2 lần trong một ngày (Sáng sớm 7-8 h tưới thật đẫm và chiều khoảng 4h thì tưới nhẹ rửa lá), mùa mưa tưới một lần vào sáng sớm, nếu mưa kéo dài thì tiến hành chống úng cho rau. Đôi khi tưới rau chưa đúng cách cũng làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây rau nói chung.
Tưới nước cho rau trồng nhằm đảm bảo độ ẩm cho bộ rễ và rửa sạch bụi bám vào bề mặt lá rau giúp cây quang hợp dễ dàng
3.4.2 dọn cỏ cho Rau:
Chú ý dọn cỏ xung quanh cây trồng để đảm bảo đám cỏ dại không tranh giành nước và chất dinh dưỡng với cây, gây ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch. Bạn có thể nhổ cỏ trực tiếp bằng tay và thường xuyên xới đất để tiêu diệt các mầm bệnh trong đất.
3.4.3 kiểm soát côn trùng gây hại:
Trong quá trình chăm sóc rau còn xuất hiện một số loại sâu bệnh không mong muốn. Vì vậy, bạn phải hết sức chú ý, quan sát, có thể phun dung dịch để diệt côn trùng gây hại. Bạn nên sử dụng những loại thuốc hữu cơ chiết xuất từ các loại thực vật như tỏi, ớt hoặc tự ngâm dung dịch trừ sâu tự nhiên từ gừng, tỏi, sả, ớt… để phòng ngừa sâu bệnh cho rau. Vì nó đảm bảo sức khỏe cho bạn cũng như giúp cân bằng và đa dạng hệ sinh thái.
Đồng thời, tận dụng phương pháp phòng ngừa sâu bệnh thủ công như: bắt sâu, trồng một số loại cây để xua đuổi côn trùng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rau.
3.4.4 Bón phân cho Rau
Lựa chọn phân bón hữu cơ giúp cây phát triển tốt và an toàn cho môi trường
Phân bón là một trong những điều quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng cây trồng. Rau của bạn sẽ chậm lớn và còi cọc nếu thiếu chất dinh dưỡng.
Bạn nên chọn phân hữu cơ vì loại phân này thân thiện với môi trường. Phân hóa học sử dụng không đúng cách sẽ làm chua, chai đất và gây ảnh hưởng tới sức khỏe nếu thời gian cách ly không hợp lý. Các loại phân hữu cơ bạn có thể mua tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp như phân trùn quế, phân bò đã qua xử lý… có thể tận dụng rác thải trong gia đình để làm phân bón.
Hay bạn có thể tìm các loại phân chuồng nguyên chất rồi tự ủ hoai. Nếu có điều kiện thì không gì tuyệt vời hơn là kết hợp nuôi gia súc, gia cầm và trồng rau, bạn sẽ hoàn toàn chủ động từ đầu vào để tạo ra cho khu vực của mình một nguồn phân bón chất lượng cao mà lại không tốn đồng nào.
3.5. Thu Hoạch Rau
Đối với các loại rau ăn lá thường thu hoạch sau khoảng 20-30 ngày trồng. Có thể dùng dao cắt để gốc cho rau lên mầm tiếp hoặc nhổ cả cây.
Nếu chăm sóc cây rau tốt và đầy đủ dinh dưỡng thì có thể thu hoạch 5 – 6 đợt.
Khi thu hoạch, bạn cần cẩn thận, tránh để rau bị dập nát, ảnh hưởng đến chất lượng rau.
Sau mỗi lần thu hoạch nên bổ sung dinh dưỡng cho cây để nhanh chóng cho đợt thu hoạch mới.
Muốn trồng rau mới bạn nên cải tạo đất bằng cách xới tơi đất, phơi nắng, trộn vôi, bón thêm phân để tạo môi trường sống nuôi cây phát triển tốt ít sâu bệnh.
4. Một số loại rau ăn lá được trồng phổ biến và dễ chăm sóc:
Rau muống
Rau muống rất quen thuộc tại Việt Nam. Đây là loại cây phát triển tốt cả trong môi trường nhiều nước hoặc ít nước. Cây dễ dàng trồng bằng thân hoặc hạt, nảy mầm nhanh và không kén đất do vậy trồng trong thùng xốp trên sân thượng rất thích hợp.
Rau họ cải
Các loại rau họ cải rất đa dạng, phù hợp với từng mùa khác nhau. Rau cải dễ dàng trồng bằng hạt hoặc cây trong những thùng nhỏ. Nên làm đất thật kĩ khi trồng cải để chúng sinh trưởng tốt. Cải cần đất ẩm tuy nhiên chúng lại không ưa nước, dễ dàng bị úng nếu quá nhiều nước.
Một số loại cải có thể thu hoạch ngọn hoặc lá và tiếp phân nhánh ở gốc để bạn thu hoạch những đợt tiếp theo.
Rau Đay, mùng tơi
Rau Đay, Mùng tơi là loại rau có tính mát, thanh ngọt phù hợp với mọi thành viên trong gia đình. Rau mồng tơi phát triển tốt quanh năm, đặc biệt là vào mùa hè. Mùng tơi ưa sáng và ưa ẩm, cây có thể phân thành nhiều nhánh sau khi ngắt ngọn do vậy thường cho năng suất cao. Bạn chỉ cần vài gốc mùng tơi là đã đủ rau cho cả gia đình.
Xà lách
Xà lách là loại rau ưa bóng râm và ánh nắng nhẹ do vậy bạn nên trồng xen kẽ với những cây lớn hoặc trồng ở nơi khuất nắng.
Rau dền
Rau dền rất dễ sống, không cần chăm sóc nhiều do vậy là loại rau nên trồng ở sân thượng. Rau dền có một số loại như dền trắng, dền cơm, dền đỏ…đều có thể thu hoạch được trong vòng 25-30 ngày nếu được cung cấp đủ nước và dinh dưỡng.
Rau thơm, rau gia vị: Tía tô, lá lốt, mùi tàu, các loại rau húng… cũng khá dễ trồng và chăm sóc, ít sâu bệnh.
Rau ăn lá là nguồn dinh dưỡng quan trọng không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình hàng ngày. Trồng cây Rau ăn lá khá đơn giản và nhanh cho thu hoạch. Chúc bạn thành công với cách trồng rau sạch tại nhà đơn giản và tươi tốt của tôi nhé!