Nội dung chính của bài viết
- 1. Bài viết chuẩn SEO là như thế nào?
- 2. Checklist kiểm tra bài viết chuẩn SEO
- 2.1 Bài viết đúng mong đợi tìm kiếm của người dùng
- 2.2 Dựng outline bài viết
- 2.3 Tiêu đề chuẩn SEO
- 2.4 Đoạn mô tả (Meta Description)
- 2.5 Bài viết chuẩn SEO cần dễ đọc, dễ nhìn
- 2.6 Không được có lỗi chính tả
- 2.7 Lưu ý về hình ảnh
- 2.7 Các loại link
- 2.8 Bài viết không được trùng lặp
- 2.9 Từ khóa và phân bổ từ khóa
- 2.10 URL
- 2.11 Tính tương tác với người dùng
- 3. 5 công cụ kiểm tra bài viết chuẩn SEO phổ biến
- TÓM LẠI
Ngày trước mỗi lần viết xong content, tôi mất khá nhiều thời gian để kiểm tra bài viết đã chuẩn SEO hay chưa, thế mà nhiều lúc vẫn thiếu.
Tôi thì vốn là dân ngoại đạo với marketing, chỉ vì mê viết mà rẽ ngang vào ngành này. Tôi thuận lợi dấn thân cũng bởi có ông anh là cao thủ trong mảng content marketing “chống lưng”. Anh ấy tên là Tuấn. Cứ hễ tôi cần gì, chỉ cần mở lời là anh ấy giúp nhiệt tình.
Hôm qua tôi đã ngồi cả buổi để anh ấy hướng dẫn tôi làm cái checklist kiểm tra bài viết chuẩn SEO. Tôi tổng hợp ra đây để những anh em mới vào nghề cùng tham khảo nhé!
1. Bài viết chuẩn SEO là như thế nào?
Anh Tuấn bảo: Đã mất công viết thì bài viết phải chuẩn SEO để có khả năng được lên top Google search. Mà như thế nào là bài viết chuẩn SEO?
Bài viết chuẩn SEO là phải đáp ứng được 2 yếu tố:
- Viết cho đúng cái người dùng đang cần, như gãi đúng chỗ ngứa cho họ ấy và ngôn từ phải dễ đọc, trình bày dễ nhìn để họ không bị nản
- Áp dụng các kỹ thuật SEO (Search Engine Optimization) để con bot Google đọc hiểu được nội dung dễ dàng và nhanh chóng thì Google nó mới cho mình hiện ở trang đầu tìm kiếm.
Tại sao phải kiểm tra bài viết chuẩn SEO?
Anh ấy bảo dân mới vào nghề content mà không có checklist kiểm tra bài viết chuẩn SEO như đi rừng mà không có la bàn, cứ đi theo cảm giác, đi lộn lung tung chờ ăn may.
Viết xong thì phải kiểm tra xem bài viết đã chuẩn SEO hay chưa, đừng có để vài cái thiếu nhỏ tí mà phí công mình. Dày công viết mà chẳng ma nào nó tìm thấy để đọc chả khác nào có cục tiền to mà bị chôn dưới đất để mối mọt nó ăn hết.
Bài viết lên Top được nó lợi nhiều lắm, nó kéo cả website tăng thứ hạng tìm kiếm, tăng uy tín của doanh nghiệp, khiến nhiều khách hàng vào xem một cách tự nhiên, tiết kiệm ối tiền chạy quảng cáo.
2. Checklist kiểm tra bài viết chuẩn SEO
Đây là bộ “bí kíp” mà tôi được anh Tuấn trao truyền để kiểm tra bài viết chuẩn SEO
2.1 Bài viết đúng mong đợi tìm kiếm của người dùng
Dân chuyên viết content như chúng ta thì thường không phải lên kế hoạch từ khóa mà sẽ được giao từ khóa chính để viết bài luôn.
Tìm thêm từ khóa phụ để lên cái outline nhé: đây là Google gợi ý những nội dung mà dân tình họ thường tìm kiếm gì xung quanh từ khóa chính. Cách làm như sau:
- Vào Google search box: gõ cụm từ khóa -> Google nó sẽ xổ ra một list các gợi ý, hãy lấy những gợi ý đó để tham khảo cho từ khóa phụ
- Khi Google hiển thị ra các kết quả tìm kiếm -> kéo xuống cuối trang, Google lại có các gợi ý tiếp.
- Bấm vào 1 gợi ý, Google sẽ cho trang kết quả khác -> lại kéo xuống cuối trang để lấy các gợi ý khác.
Cách tìm từ khóa phụ bằng Google search box
Chuẩn bị thông tin bài viết: nếu chủ đề bài viết nằm trong sở trường của mình thì ngon rồi, viết nó ra ào ào. Nhưng nếu trong đầu mình chả có tẹo thông tin gì về nó thì phải đi tìm thôi.
Dễ lắm, cứ lên Google, search từ khóa chính đọc hết các bài trên trang top1, search cả từ khóa phụ, cũng đọc hết các bài trên top. Thậm chí nếu định viết một bài thật sâu thì search cả bằng ngôn ngữ của đất nước mà nó sở trường về chủ đề đó, rồi dùng Google dịch để đọc tiếp. Ngoài ra, search cả youtube, ebook… về chủ đề đó, nghiền ngẫm kỹ càng.
Giờ thì nghĩ đến những người sẽ đọc bài của mình:
- Họ là ai? tầm tuổi nào? sống ở đâu? trình độ học vấn ra sao? sở thích gì?…
- Họ thích đọc kiểu giọng văn nào?
- Cách họ lướt internet ra sao?
Tìm được những thông tin đó rồi thì mình chọn văn phong viết, cách trình bày bài…
Mà đừng quên nghiên cứu xem những bài trên top 1 trang tìm kiếm nó có ưu điểm gì, có những hạn chế gì. Từ đó mình chọn cách viết để ưu việt hơn, khác biệt hơn, như là:
- Viết sâu hơn
- Viết nhiều thông tin hơn
- Viết theo một cách khác
- Trình bày đẹp hơn, khiến người dùng thích hơn
2.2 Dựng outline bài viết
Ngày xưa đi học, làm văn lúc nào chả phải viết dàn bài, thì cái outline nó giống hệt vậy. Nó như là cái khung xương của cơ thể ấy. Khung xương chắc chắn, cân đối thì cơ thể mới khỏe mạnh và đẹp đẽ được. Làm như này:
- Viết các tiêu đề chính trước (là ý chính đó), gắn cho nó cái thẻ H2
- Viết tiếp các tiêu đề phụ: là ý con bên trong tiêu đề chính, gắn cho nó thẻ H3. Nếu có tiếp ý con nữa thì gắn thẻ H4, H5
- Cái khung dàn bài phải giúp hình dung được hết nội dung tổng thể toàn bài nên phải được sắp xếp logic, hợp ý.
2.3 Tiêu đề chuẩn SEO
Tiêu đề nó như cái biển hiệu của cửa hàng ấy. Nó quyết định việc khách hàng có bị thu hút và đi vào cửa hàng hay không. Cũng vậy, tiêu đề sẽ quyết định khách có vào đọc bài viết của bạn hay không. Một tiêu đề xịn phải đáp ứng được các tiêu chí:
- Nổi bật và thu hút: khách lướt qua là bị chú ý ngay, không bị lẫn với những bài viết khác.
- Thể hiện đúng cái khách hàng đang tìm: có thể là cái họ đang tìm kiếm chủ động, cũng có thể là cái mà nằm trong sự quan tâm của họ như một giải pháp về vấn đề họ đang mắc phải hoặc một lợi ích mà họ không cưỡng nổi.
- Tiêu đề mỗi bài viết là duy nhất, không được trùng lặp với bất kỳ bài nào trên các trang web nhé, nếu không Google sẽ chỉ hiển thị tiêu đề của bài viết mà nó đánh giá cao nhất thôi.
2.4 Đoạn mô tả (Meta Description)
Đoạn mô tả này nó hiện ngay dưới tiêu đề trên trang hiển thị tìm kiếm Google khi khách hàng search, giúp thấy rõ hơn những thông tin về bài viết. Vì vậy để đoạn mô tả tối ưu với cả người dùng và Google thì cần:
- Chứa từ khóa chính, có thể thêm 2,3 từ khóa phụ
- Chỉ dài khoảng 2,3 câu (140-160 ký tự).
- Đoạn mô tả cần làm rõ ý của tiêu đề và có thêm các giá trị nổi bật của bài viết.
2.5 Bài viết chuẩn SEO cần dễ đọc, dễ nhìn
Bài viết dễ đọc không hẳn là bài viết ngắn nhé. Đôi khi bài viết dài với nội dung đầy đủ và chuyên sâu lại khiến khách hàng thích hơn, nó thỏa mãn và giải đáp tốt những thắc mắc của khách. Quan trọng là bạn trình bày bài sao cho dễ đọc, dễ nhìn, hãy làm như này nhé:
- Nên có mục lục ở phía trên để khách nắm được thông tin tổng thể toàn bài.
- Ý chính, ý phụ rõ ràng. Trong mỗi ý lại chia thành các đoạn nhỏ. Mỗi đoạn chỉ từ 3-5 câu, dài tầm 3,4 dòng thôi.
- Tận dụng các câu hỏi trong các tiêu đề cũng là một cách gợi mở và gây tò mò cho người dùng đọc tiếp.
- Làm nổi bật các ý quan trọng bằng cách bôi đậm, thay đổi kích thước hoặc đóng khung…
- Đánh số đầu dòng hoặc thêm bullet list để liệt kê các ý. Việc này sẽ tăng cơ hội hiển thị ở đoạn trích nổi bật trên Google search.
2.6 Không được có lỗi chính tả
Bài viết được xuất bản lên online cũng quan trọng như sách được in ra, đừng để có lỗi chính tả, hãy soát kỹ trước khi xuất bản. Lỗi chính tả khiến khách hàng cảm nhận trang web hoặc người viết này không chuyên nghiệp.
2.7 Lưu ý về hình ảnh
- Trước khi đọc bài, người dùng sẽ lướt qua các tiêu đề và hình ảnh, vì vậy nó sẽ góp phần khiến người dùng có đọc bài tiếp hay không.
- Hình ảnh chính là một đoạn nghỉ giúp người dùng không cảm thấy mệt mỏi khi đọc, đặc biệt là những bài viết dài.
- Người dùng cũng hay search trong mục ảnh lắm, ánh mà lên top thì bài của mình cũng “thơm” lây.
- Hình ảnh có thể là các ảnh tĩnh (dạng JPEG, PNG) ảnh động (Gif), ảnh dạng mindmap, infographic hoặc video.
- Hình ảnh phải minh họa được nội dung, làm nổi bật thông điệp chứ đừng để ảnh như gái ế vô duyên, có mặt hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì.
- Cần đặt tên cho ảnh, thêm chú thích và thẻ Alt (văn bản thay thế).
- Trong bài viết, trong mỗi ý chính hoặc tầm 3,4 đoạn nên có 1 hình ảnh minh họa.
- Không nên copy ảnh trên internet, tốt nhất nên là hình ảnh do tự mình quay, chụp, tự thiết kế hoặc mua ảnh bản quyền từ các kho ảnh như shutterstock,pixabay, freepik... Đặc biệt không lấy những hình ảnh có bản quyền để tránh bị kiện tụng sau này.
- Hình ảnh nét nhưng dung lượng phải nhẹ để trang web nó tải cho nhanh. Ảnh xem trên thiết bị nào cũng phải thuận mắt, giờ thiên hạ lướt net bẳng điện thoại nhiều nên cứ để ảnh vuông 1-1 (kích thước 800x800px hoặc 1000x1000px) hoặc chữ nhật tỷ lệ 4-3 (800×600) là ngon.
2.7 Các loại link
Link cũng là một thành phần giúp bài viết SEO tốt hơn. Nó là cánh cửa dẫn người dùng đến những nội dung liên quan khác hoặc chuyên sâu hơn với chủ đề bài viết.
Trong bài viết chuẩn SEO sẽ có các internal link và external link, chú ý những nội dung sau:
- Internal link phải dẫn đến những nội dung liên quan, mở rộng hoặc chuyên sâu hơn.
- Các external link có dẫn đến trang web uy tín.
- Không nên sử dụng những anchor text chung chung như “bài viết”, “nhấp vào đây”.
- Anchor text cần mô tả đúng nội dung mà link dẫn đến.
- Anchor text ngắn gọn, đủ ý
- Link nên nổi bật, khác màu để người dùng biết đó là link
- Trong bài viết nên có khoảng 3-5 link
2.8 Bài viết không được trùng lặp
Tuyệt đối không copy bài viết hoặc đoạn từ các trang khác. Google nó cũng trọng người ngay thẳng, trung thực mà. Ta có thể tham khảo nội dung nhưng phải tự viết theo cách diễn đạt của riêng mình.
Một bài viết không được trùng lặp quá 10% với những bài viết đã có trên internet (trừ những lĩnh vực đặc thù như tài chính. luật, y tế… mà cần trích dẫn chính xác thì có thể trùng lặp 20-30%).
2.9 Từ khóa và phân bổ từ khóa
Bài viết sẽ xoay quanh từ khóa chính và mở rộng ý bằng các từ khóa phụ, trong đó còn có các từ khóa đồng nghĩa hay bổ nghĩa nữa. Nhớ phải sử dụng linh hoạt các từ khóa này, cấm nhồi nhét từ khóa mà lại thành mắc lỗi spam.
- Từ khóa nên chiếm tỷ lệ 1-5% toàn bài (tầm 3% là ngon nhất)
- Từ khóa chính phải có trong tiêu đề, đoạn mô tả, các tiêu đề chính, phú (Heading), ALT ảnh, tên ảnh, URL, URL ảnh
- Sử dụng từ khóa chính, từ khóa phụ phải phù hợp về ngữ cảnh, mượt mà về nội dung.
- Phân bổ từ khóa chính, từ khóa phụ rải đều trong bài, đừng có chỗ thì nhiều, chỗ thì không có.
- Từ khóa chính không được trùng lặp với các bài khác trên website.
2.10 URL
- Phải có từ khóa chính trong URL
- Nên có phân tầng trong cấu trúc URL, dạng: ten-mien/danh-muc/ten-bai-viet
- Ngắn gọn thôi
- Không chứa ký tự đặc biệt như: “<>?!~@#$%…
2.11 Tính tương tác với người dùng
Người ta thường thích thể hiện bản thân và thích tương tác với người khác. Vì vậy, làm mấy cái hoạt động để tăng tương tác với người dùng ngay trong bài viết họ sẽ thích hơn và ở lại trang của mình lâu hơn. Các hoạt động tương tác bao gồm:
- Call to action (kêu gọi hành động): ví dụ để lại thông tin để nhận thông tin bài viết mới.
- Cho người dùng bình chọn (Poll): rất phù hợp với những bài dạng toplist, sẽ làm tăng uy tín cho danh sách bình chọn. Hoặc seeding cho thương hiệu một cách khéo léo.
- Xếp hạng (Ranking): bản chất cũng giống Bình chọn nhưng hình thức thể hiện khác.
- Ảnh/video 360 độ: đặc biệt phù hợp để giới thiệu về không gian như các ngành bất động sản, du lịch, nhà hàng, khách sạn, trường học…
3. 5 công cụ kiểm tra bài viết chuẩn SEO phổ biến
Công cụ kiểm tra bài viết chuẩn SEO thì nhiều lắm nhưng tôi chọn ra đây một số công cụ mà anh Tuấn bảo là phổ biến:
3.1 SEOquake
SEOquake là một tiện ích miễn phí, có thể tích hợp trong trình duyệt, nó cung cấp cho mình biết các chỉ số SEO của một trang web. Để thêm tiện ích này vào Google Chrome, bạn search SEOquake hoặc bấm vào Gắn tiện ích SEOquake.
SEOquake giúp ta đánh giá các chỉ tiêu SEO như:
- Tiêu đề bài viết
- Phần mô tả
- URL
- Các Heading
- Thẻ ALT của ảnh
- Internal link và External link
- Mật độ từ khóa
- …
Kiểm tra các yếu tố SEO trong từng tab
3.2 Web Developer
Đây cũng là một tiện ích mở rộng miễn phí, tương tự như SEOquake, giúp ta kiểm tra các chỉ số SEO của trang web.
Để sử dụng bạn Thêm tiện ích vào Google Chrome
Trong việc kiểm tra bài chuẩn SEO thì ta hay dùng Web Developer để check 1 chỉ số SEO sau:
- Các thông tin về ảnh: Alt ảnh có hay không, nội dung thẻ alt ảnh; kích thước ảnh; Url từng ảnh.
- Các heading; vị trí của từng Heading
Kiểm tra các Heading của bài
Kiểm tra các thẻ Alt của ảnh
3.3. Yoast SEO
Yoast SEO là một plugin “chấm điểm” bài có chuẩn SEO hay không, được cài trong WordPress. Nó sẽ chấm các mục sau:
- Ảnh: tiêu đề, alt ảnh
- Phân bổ từ khóa và mật độ từ khóa
- Sự xuất hiện của từ khóa trong tiêu đề, tiêu đề phụ, slug, đoạn mô tả.
- Từ khóa đã bị sử dụng trên các trang khác trong web hay chưa?
- Độ dài của tiêu đề, đoạn mô tả và bài viết
- Có internal link và external link trong bài viết không
Yoast SEO chấm điểm các tiêu chí chuẩn SEO của bài viết
3.4 Rank Math SEO
Cũng là một plugin hỗ trợ SEO được cài trong WordPress và nó có rất nhiều tính năng hay, kể cả trong phiên bản miễn phí. Rank Math SEO sẽ giúp ta hoàn thiện các chỉ tiêu SEO cho bài viết như sau:
- Từ khóa tập trung vào tiêu đề, đoạn mô tả (meta description)
- Cần có từ khóa trong đường dẫn bài viết
- Việc phân bổ từ khóa trong bài viết
- Độ dài bài viết. Rank Math SEO gợi ý bài nên dài 600 – 2500 từ.
- Các tiêu đề gắn thẻ H2, H3, H4 có chứa từ khóa.
- Tiêu đề và thẻ alt của ảnh chứa từ khóa
- Tần suất của từ khóa không nên quá 1%
- Bài viết có internal link và external link.
- Từ khóa xuất hiện ở đầu hoặc gần đầu tiêu đề.
- Nên đưa con số vào tiêu đề
- Bài viên nên có table content (kiểu như mục lục)
- Chia nhỏ các đoạn văn.
- Bổ sung vài ảnh hoặc video để bài viết thu hút và sống động hơn.
3.5 PageSpeed Insights
PageSpeed Insights là một sản phẩm của Google giúp đánh giá hiệu suất và tốc độ của website trên cả máy tính và điện thoại. Sau đó nó cũng đề xuất các cải thiện để tăng tốc độ cho trang đó.
Cách sử dụng rất đơn giản, chỉ cần vào trang PageSpeed Insights và dán link web của mình vào là nó chạy ra các chỉ số:
- Tốc độ tải website trên mobile và PC
- Bảng tổng hợp các hiệu năng trên website
- Hạn chế sử dụng redirect ở trang đích
- Bộ nhớ và lưu cache ở trình duyệt
- Thời gian phản hồi từ server
- Sử dụng các thuộc tính không đồng bộ
- Chế độ chặn CSS và Javascript
- Thiết lập nội dung trong website
- Dung lượng hình ảnh trên website
- Trạng thái các tài nguyên CSS và Javascript.
Các công cụ này sẽ cho ta các gợi ý để tham khảo, chứ không nhất định phải đạt tất cả các chỉ tiêu nó đưa ra. Chúng ta phải hiểu bản chất của việc bài viết là để người dùng đọc nên ngôn từ phải mượt mà, tự nhiên và linh hoạt áp dụng các công cụ search engine của Google để bài viết lên top tìm kiếm.
Trong 5 công cụ check bài viết chuẩn SEO trên thì bạn thích nhất công cụ nào?
TÓM LẠI
Với bộ Checklist kiểm tra bài viết chuẩn SEO này, tôi khá tự tin về những sản phẩm content sắp “ra lò” của tôi, sẽ không còn bị thiếu chỉ số này, sót chỉ số kia nữa. Đúng là võ nào cũng cần có “bí kíp”. Giờ thì yên tâm rồi, anh em ta tiếp tục thẳng tiến trong nghề viết thôi.