Nội dung chính của bài viết
Chuẩn bị mang thai lần 2 liệu có giống lần đầu? Con so mẹ đã chuẩn bị kỹ lưỡng vậy thì con dạ mẹ cần chuẩn bị gì nữa không? Câu trả lời là mỗi lần mang thai là một trải nghiệm khác nhau. Vì thế mẹ không nên chủ quan. Việc chuẩn bị mang thai lần 2 và có kế hoạch cũng quan trọng không khác gì so với lần mang thai đầu.
I. Thời gian thích hợp để chuẩn bị mang thai lần 2 ?
Thời điểm nào mang thai lần 2 là phù hợp? Điều này sẽ phụ thuộc vào sự chuẩn bị và sẵn sàng của mẹ. Với nhiều mẹ thì muốn sinh con lần 2 khi con đầu đã khôn lớn, có những mẹ lại muốn để liền để tiện chăm con. Khi mẹ chuẩn bị đủ về tinh thần, sức khỏe, cũng như tài chính là lúc thích hợp nhất để mang thai lần 2.
Cần phải lưu ý, không giống như các mẹ sinh thường. Với những mẹ sinh mổ lần thứ nhất thì cần ít nhất 2 năm mới nên tiếp tục mang thai và sinh con lần 2. Lý do cho điều này là để vết mổ lành hẳn và giảm nguy cơ cho mẹ khi tử cung và vùng bụng giãn nở lớn trong lúc mang thai lần thứ 2. Khi mẹ sinh mổ mang thai quá lớn có thể dẫn đến bục hoặc rò rỉ vết mổ gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi
Trường hợp, mẹ mang thai lần 2 mà chưa đủ thời gian 2 năm sau mổ lần thứ nhất thì cần phải lưu ý không để thai nhi tăng cân quá nhiều và phải thăm khám định kỳ để theo dõi và có biện pháp sớm khi phát hiện bất thường.
II. Mang thai lần 2 có gì khác biệt so với lần đầu ?
Khi mang thai lần 2 có nhiều những điều khác biệt so với lần đầu mà có lẽ mẹ chưa biết
1. Chuẩn bị mang thai lần 2 có cần phải tiêm phòng.
Ở lần mang thai trước, hầu như mẹ đã được tiêm phòng đầy đủ cho nên ở lần mang thai thứ 2 đa phần hệ miễn dịch của mẹ đã khá đầy đủ để bảo vệ.
Khi mẹ đã tiêm đủ 5 mũi uốn ván trước thai kỳ thì sẽ không phải tiêm lại, trường hợp chưa tiêm đủ 5 mũi thì sẽ tiêm bổ sung 1 mũi vào 3 tháng giữa thai kỳ của lần mang thai thứ 2.
Khi mẹ tiêm đủ 5 mũi, mũi tiêm cuối cùng cách trên 10 năm thì mẹ cần phải tiêm nhắc lại.
Tiêm phòng với các bệnh sởi, thủy đậu, rubella, ở lần mang thai đầu mẹ chưa tiêm thì khi chuẩn bị mang thai lần 2 mẹ nên tiêm phòng trước tối thiểu 3 tháng.
Mũi cúm khi chuẩn bị mang thai lần 2 mẹ cần tiêm trước tối thiểu 1 tháng.
2. Tăng cân nhanh hơn lần mang thai đầu
Thường khi mang thai em bé thứ 2 sẽ có cân nặng cao hơn so với em bé đầu của mẹ. Do vậy lần mang thai sau mẹ sẽ tăng cân nhiều hơn so với lần mang thai đâu. Thời gian khi chuẩn bị mang thai lần 2 và trong quá trình mang thai mẹ chỉ nên ăn đúng, ăn đủ chứ không nên cố gắng ăn quá nhiều. Cũng không cần phải cố gắng ăn uống nhiều như lần mang thai đầu.
3. Thay đổi vùng bụng
Sau lần sinh đầu, vòng bụng chưa thể co lại hết nên thành bụng không thể nâng đỡ được tử cung như lần mang thai đầu. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến bụng bầu lớn hơn và thấp hơn lần mang thai trước.

4. Có kinh nghiệm hơn
Khi chuẩn bị mang thai lần 2 của mẹ sẽ nhẹ nhàng hơn lần 1 của mẹ rất nhiều vì sau một lần mang thai và sinh đẻ có lẽ mẹ đã có nhiều kinh nghiệm. Mẹ biết nên kiêng ăn gì, dinh dưỡng trước khi mang thai và trong cả quá trình mang thai như thế nào. Và có lẽ mẹ sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn khi biết những đồ gì không thực sự cần thiết phải mua và có thể sử dụng lại được một số đồ từ lần mang thai trước.
III. Những điều mẹ cần cho chuẩn bị mang thai lần 2
1. Chú ý sức khỏe của mẹ khi chuẩn bị mang thai lần 2
Mẹ đã biết mang thai là giai đoạn thay đổi rất nhiều về Hormone cũng như tinh thần. Cũng có nghĩa là sức khỏe của mẹ thay đổi. Do vậy, việc chuẩn bị một sức khỏe nền tảng thật tốt khi chuẩn bị mang thai lần 2 là rất cần thiết. Vì lúc này, mẹ cần phải có một sức khỏe thật tốt để mang thai và để chăm sóc cả em bé trước nữa
Mẹ nên đi khám sức khỏe khi chuẩn bị mang thai lần 2. Không chỉ là thăm khám tổng quan mà mẹ cũng cần phải làm các xét nghiệm. Đặc biệt là xét nghiệm máu, để giúp mẹ chuẩn đoán tình trạng thiếu máu hay không, có đủ thể trạng để mang thai.
2. Tinh thần của mẹ cho chuẩn bị mang thai lần 2
Cũng giống như mang thai lần đầu, mẹ cần phải giữ cho mình tinh thần tươi vui, tích cực và lạc quan. Khi mang thai tâm trạng ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi. Mẹ cũng nên xác định, lần thứ 2 mang thai mẹ sẽ không nhận được sự quan tâm nhiều như lần mang thai đầu, để tránh thất vọng, hay cảm thấy tủi thân.
3. Tuổi của mẹ khi mang thai
Độ tuổi sinh con hợp lý nhất là dưới 30 tuổi, điều này không ngoại lệ với sinh con lần 2. Với những mẹ có ý định mang thai ở tuổi cao hơn, cụ thể là 40 tuổi, mẹ cần cân nhắc và chuẩn bị kỹ càng hơn. Khi mẹ ngoài 40 tuổi mang thai cần lưu ý khám sàng lọc và theo dõi vì mang thai ở thời điểm đó thai sẽ có nguy cơ bị sảy cao hơn và nguy cơ dị tật lớn hơn so với độ tuổi dưới 35.
4. Độ chênh lệch tuổi giữa các con
Nếu chênh lệch tuổi giữa các con quá lớn sẽ dẫn tới việc khó hòa hợp giữa các con. Mẹ nên cân nhắc để hạn chế sự chênh lệch này. Tuy nhiên, tùy vào những sự định hướng cũng như từng trường hợp cụ thể mà điều này có những lợi ích hoặc khó khăn riêng.
Một điều mẹ cũng nên quan tâm là cảm xúc đứa con đầu lòng. Ngoài việc chăm sóc thai kỳ, mẹ cũng cần quan tâm chăm sóc con đầu. Mẹ nên chia sẻ điều này với bạn đời và gia đình để mọi người cùng để ý tới em bé thứ nhất, tránh việc bé bị tủi thân.