Nội dung chính của bài viết
Khi bạn quyết định tìm hiểu những điều này, chắc chắn bạn đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để mang thai. Tuy vậy, bạn vẫn lo lắng không biết cơ thể mình đã sẵn sàng cho việc mang thai chưa, mình còn phải chuẩn bị những gì để chào đón sinh linh bé nhỏ sắp tồn tại trong cơ thể mình…Dưới đây là tất tần tật những điều cần làm và nên tránh khi chuẩn bị mang thai để các chị em tham khảo.

6 điều cần làm để chuẩn bị cho quá trình mang thai
1.1. Bắt đầu bổ sung Vitamin và khoáng chất
Khi bạn đã sẵn sàng để mang thai thì điều chắc chắn phải chuẩn bị là một cơ thể khoẻ mạnh. Có rất nhiều loại thuốc và chất bổ sung bạn có thể dùng trong thai kỳ, nhưng vitamin không chỉ được phép sử dụng mà còn được khuyến khích sử dụng trước khi mang thai.
Trong 10 tuần đầu tiên của thai kỳ, hầu hết các cơ quan quan trọng của đứa trẻ bắt đầu được hình thành. Do đó, thai nhi cần rất nhiều chất dinh dưỡng được cung cấp trực tiếp từ cơ thể người mẹ. Hãy đảm bảo rằng cơ thể của bạn có đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết trước khi có em bé.

Bạn có thể coi như mình đang xây dựng một kho dự trữ, nếu bạn có đủ lượng vitamin và chất dinh dưỡng để phát triển thì bạn mới có thể có khả năng chia sẻ những vitamin này với em bé của bạn khi nó tồn tại trong cơ thể của bạn. Vậy nên bổ sung từ khi nào? Theo các chuyên gia khoảng 1 tháng trước khi mang thai là khoảng thời gian bạn nên bổ sung các loại vitamin cần thiết.
Loại vitamin quan trọng nhất mà bạn cần chú ý bổ sung là acid folic (vitamin B9). Đây là chất dinh dưỡng chịu trách nhiệm tạo ra ống thần kinh của em bé hay cấu trúc cuối cùng hình thành não và cột sống. Nếu ống thần kinh phát triển không đầy đủ, đứa trẻ sinh ra có thể bị nứt đốt sống hoặc thiếu não.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo rằng tất cả các phụ nữ có hoạt động tình dục trong độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung 400mcg acid folic mỗi ngày. Khi đã chắc chắn có thai, bạn cần bổ sung tối thiểu 600mcg mỗi ngày.
Cũng như acid folic, sắt là khoáng chất không thể thiếu để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Bổ sung đủ sắt đồng nghĩa với việc cung cấp đủ máu và oxy cho thai nhi giúp xây dựng nhau thai. Thiếu máu khi mang thai có thể dẫn đến sinh non hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân. Tuy nhiên, ‘cái gì quá cũng không tốt’, mỗi ngày bạn chỉ nên bổ sung dưới 45mg sắt là đủ.

1.2. Tập thể dục
Tập thể dục trước khi mang thai có thể giúp cơ thể bạn đối phó với tất cả những thay đổi mà bạn sẽ trải qua trong quá trình mang thai và chuyển dạ.
Hầu hết phụ nữ đã tập thể dục có thể duy trì chương trình tập thể dục hiện tại của họ một cách an toàn trong suốt thời kỳ mang thai. Và hầu hết phụ nữ, ngay cả khi họ hiện không tập thể dục, nên bắt đầu một chương trình tập thể dục 30 phút tập thể dục nhanh 5 ngày mỗi tuần, cả trước khi thụ thai và trong suốt thai kỳ.
Video: Yoga cho bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ
Số lượng bài tập thể dục bạn có thể làm trong khi mang thai phải dựa trên sức khỏe tổng thể của bạn và mức độ hoạt động của bạn trước khi mang thai. Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn bài tập và mức độ tốt nhất cho bản thân
1.3. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Bạn cũng có thể nhận được nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết từ chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Một vài hướng dẫn đơn giản giúp bạn thực hiện chế độ này là:
- Giảm lượng calo rỗng, chất làm ngọt nhân tạo và caffein.
- Ăn thực phẩm giàu protein.
- Ăn nhiều trái cây, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa.
- Ăn tối đa 3 khẩu phần cá mỗi tuần, tránh ăn các loài cá biển lớn (cá mập, cá ngói). Hạn chế ăn cá ngừ (khoảng 85g cá ngừ trắng) mỗi tuần, hoặc 170g cá ngừ nhạt mỗi tuần.

1.4. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt
Việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt sẽ giúp bạn biết được những ngày bạn dễ thụ thai nhất. Thông thường, chu kỳ của một người phụ nữ kéo dài 28 ngày. Theo đúng chu kỳ, bạn sẽ rụng trứng vào ngày thứ 14, do đó những ngày từ 11 đến 16 là thời điểm dễ thụ thai nhất. Tuy nhiên, số liệu này chỉ đúng khi bạn duy trì được chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Muốn tính toán được chu kỳ kinh nguyệt của mình, chị em nên lập một biểu đồ và ghi lại thời gian kéo dài của mỗi chu kỳ. Để thuận tiện hơn trong việc theo dõi, gần đây có rất nhiều app có thể thay bạn thực hiện điều này, ví dụ như: Clue, Flo, Ovia, Magic Girl,…

1.5. Tiêm chủng đầy đủ
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch sẽ không còn tốt như trước nữa. Song song với đó, nhiều loại thuốc không thể sử dụng trong quá trình mang thai. Vì vậy, tiêm phòng trước khi mang thai giúp bảo vệ sức khỏe mẹ và bé một cách chủ động hơn. Ngoài ra, những vacxin này sẽ cung cấp kháng thể cho trẻ sơ sinh, bảo vệ bé khỏi những căn bệnh nguy hiểm khi hệ miễn dịch còn non yếu.
Những loại vacxin cần tiêm trước khi mang thai bao gồm:
Loại vacxin | Thời gian tiêm (trước khi mang thai) |
Vacxin 3 trong 1: Sởi- Quai bị- Rubella | 3 tháng |
Cúm | 1 tháng |
Thuỷ đậu | 3 tháng |
Viêm gan B | Mũi 1 trước khi mang thai 7 tháng;
Mũi 2 tiêm cách mũi 1 một tháng; Mũi 3 tiêm cách mũi 1 sáu tháng. |
Uốn ván | Mũi 1 tiêm sớm khi mang thai lần đầu hoặc phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. |
Các loại vacxin này đều cần được tiêm trước khi mang thai và không được tiêm khi biết mình đã có thai (trừ vacxin uốn ván).
1.6. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện những căn bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, nhất là những căn bệnh di truyền. Đồng thời đây là việc làm cần thiết để đảm bảo thể chất của người mẹ chuẩn bị cho quá trình mang thai. Và đương nhiên cần kiểm tra sức khỏe sinh sản ở cả bố và mẹ.

3 điều nên tránh để chuẩn bị cho quá trình mang thai
2.1. Tránh tiếp xúc với chất độc
Một số người phụ nữ làm việc trong môi trường độc hại (công ty thuốc lá, công ty sản xuất hoá chất…) thường xuyên tiếp xúc với chất độc. Do đó, nếu muốn có thai họ cần có thời gian nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc với những chất này để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Video: Những điều nên và KHÔNG NÊN trong quá trình mang thai
Ngoài ra, chị em phụ nữ cũng có thể hạn chế tiếp xúc với chất độc bằng cách:
- Tránh sử dụng nước hoa tổng hợp.
- Lựa chọn sử dụng những sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình không có hoá chất.
- Bỏ qua một số dịch vụ làm đẹp hoặc một số mỹ phẩm, chẳng hạn như: các mỹ phẩm chứa paraben, thuỷ ngân…
2.2. Không hút thuốc lá, uống rượu bia, ma tuý
Nếu bạn hút thuốc, uống rượu hay sử dụng ma tuý thì nên dừng lại trước khi mang thai. Nó có thể khiến bạn khó mang thai hơn, đồng thời tăng khả năng sảy thai.
Rượu có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển dù chỉ là một lượng rất nhỏ. Uống rượu khi đang mang thai có thể gây ra các căn bệnh nghiêm trọng cho thai nhi như: suy giảm trí tuệ, khuyết tật về mặt và tim, có thể gặp vấn đề về hành vi…

Hút thuốc lá cũng vậy. Nó cũng gây hại cho thai nhi và có thể khiến trẻ gặp nhiều vấn đề sức khoẻ trong quá trình phát triển. Không những vậy, thuốc lá làm ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân bạn. Phụ nữ hút thuốc khi mang thai sẽ khó hồi phục sức khoẻ sau sinh và có nhiều khả năng sinh non.
Khi bạn đang cố gắng để mang thai thì cũng nên cắt giảm lượng caffein. Bởi theo các nghiên cứu chỉ ra rằng những người phụ nữ uống hơn 2 tách (500ml) cà phê hoặc 5 lon (2l) soda có chứa caffein có thể khó mang thai hơn và có khả năng sảy thai cao hơn.
2.3. Stress, cáu giận
Stress, cáu giận có thể khiến bạn khó mang thai hơn. Một tâm lý thoải mái, thư giãn sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong suốt quá trình mang thai và chào đón sinh linh bé nhỏ ra đời. Hãy thử đi bộ thư giãn hoặc tập Yoga hay làm bất cứ điều gì khác mang lại niềm vui cho bạn để xua tan những căng thẳng thường ngày.

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp những ai đang hoặc đã có ý định mang thai có những thông tin hữu ích cho mình. Chúc các bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!