Nội dung chính của bài viết
Chuẩn bị mang thai sau thai lưu là một điều quan trọng mà bạn cần tìm hiểu sau không may rơi vào hoàn cảnh đó. Để lần mang thai kế tiếp an toàn, giảm thiểu nguy cơ , mẹ nên tìm hiểu để có một cái nhìn tổng quan, từ đó có kế hoạch mang thai được thuận lợi.
I. Thai chết lưu là gì?
Thai chết lưu là tình trạng thai nhi trên 20 tuần tuổi đã chết ở trong bụng mẹ trước khi được sinh ra. Theo CDC ( Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh), thai chết lưu được phân loại theo tuần tuổi của thai nhi, trong đó:
- Thai lưu sớm: là thai chết lưu xảy ra ở khoảng thời gian từ giữa tuần 20 đến tuần 27 của thai kỳ
- Thai lưu muộn: là thai chết lưu xảy ra từ giữa tuần 28 đến tuần 36 của thai kỳ
- Thai lưu đủ tháng: là thai chết lưu xảy ra từ giữa tuần 37 hoặc ở các tuần thai lớn trong giai đoạn thai kỳ.
Thai lưu là một biến cố mà không người mẹ nào mong muốn, không chỉ để lại những đau đớn về mặt thể xác mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người mẹ. Do vậy, người mẹ không nên chủ quan trước vấn đề thai chết lưu, hãy tìm hiểu thật kỹ những dấu hiệu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để chuẩn bị cho lần mang thai sau thuận lợi hơn.
II. Dấu hiệu thai lưu mà mẹ cần chú ý
Khi thai lưu ở trong tử cung lâu, sẽ khiến cho người mẹ gặp phải nhiều nguy cơ về sức khỏe. Đặc biệt, nguy cơ về nhiễm trùng, rối loạn đông máu là rất cao, trầm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ. Do vậy, cần phát hiện sớm tình trạng thai lưu để có can thiệp kịp thời tránh những hậu quả nặng nề.
Các dấu hiệu nhận biết thai chết lưu:
Thai lưu sớm ở giai đoạn dưới 28 tuần tuổi người mẹ thường có những dấu hiệu:
- Giảm các dấu hiệu thai nghén
- Đau lưng, đau bụng
- Bụng không to lên nữa
- Không cảm giác căng tức bầu ngực
- Có ra máu âm đạo, màu hồng nhạt hoặc nâu, nâu đậm.
Thai lưu muộn ở giai đoạn sau 28 tuần tuổi, lúc này các dấu hiệu rất rõ ràng:
- Bụng không to lên mà nhỏ dần đi
- Chảy máu âm đạo màu đen
- Không thấy có cử động thai nhi, tuy nhiên cần phải hết sức lưu ý tránh nhầm lẫn vì có thể khi thành bụng của thai phụ dày, không cảm nhận được thai đạp. Cũng có thể, sau thai lưu, có những cơn co nhẹ của tử cung khiến thai phụ tưởng đó là thai đạp.
- Bầu ngực có thể tiết sữa non.
- Nếu thai phụ bị nghén nặng, buồn nôn thì lúc này sẽ thấy các triệu chứng giảm đi.
- Không thấy tim thai.
III. Nguyên nhân và nguy cơ gây thai chết lưu
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu, có những trường hợp không tìm được nguyên nhân gây thai chết lưu. Tuy nhiên, có thể chia làm 2 nhóm nguyên nhân chính đó là:
Nguyên nhân từ thai phụ
- Mang thai khi đã lớn tuổi: Phụ nữ khi mang thai ở độ tuổi 40, ngoài 40 tuổi dễ gặp phải các biến chứng trong thai kỳ như sảy thai, thai lưu, mang thai ngoài tử cung…
- Mắc bệnh mãn tính: Người mẹ mắc các bệnh mãn tính như suy gan, thận, bệnh tim, bệnh thận thì nguy cơ thai lưu là rất cao.
- Bị nhiễm trùng: Thai phụ bị nhiễm trùng, mắc bệnh lây qua đường tình dục, viêm nhiễm phụ khoa có nguy cơ cao lây qua thai nhi khiến thai nhi ngừng phát triển.
- Bất thường tử cung: Khi khám phụ khoa, khám thai được chuẩn đoán qua hình ảnh sẽ thấy những bất thường tử cung về hình dáng. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tăng nguy cơ thai lưu.
- Chế độ dinh dưỡng của mẹ: Khi mang thai, nếu mẹ không ăn uống, cung cấp đầy đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng thai nhi cũng là nguyên nhân làm thai ngừng phát triển và dẫn đến thai chết lưu.
Nguyên nhân từ thai nhi
- Bất thường nhiễm sắc thể: Bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể là nguyên nhân gây thai chết lưu và tử vong sau sinh.
- Bất thường dây rốn, bánh rau: Khi xét nghiệm phát hiện bất thường dây rốn, bánh rau, mẹ nên chuẩn bị tinh thần trước đến khả năng xấu nhất sẽ không giữ được em bé. Vì dây rốn và bánh rau là nơi cung cấp dinh dưỡng và trao đổi chất của thai nhi nên khi có bất thường có thể khiến thai nhi không phát triển.
IV. Sau bao lâu khi thai lưu nên mang thai lại
Sau thai chết lưu, người phụ nữ sẽ phải hút thai, nạo gắp hoặc bằng phương pháp sinh non để đưa thai lưu ra ngoài. Điều này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cả tinh thần của người phụ nữ.
Chính vì vậy, sau khi thai chết lưu không nên mang thai lại ngay thời gian gần đó. Theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ nên đợi ít nhất từ 6 tháng đến một năm để thụ thai có thể ít trầm cảm và lo lắng hơn.
Thống kê cho thấy khoảng 60% các cặp vợ chồng mất đến sáu tháng để thụ thai sau khi thai chết lưu, và 30% khác mất đến 12 tháng.
Tuy nhiên, khi có kế hoạch mang thai sau thai lưu, bạn nên kiểm tra sức khỏe và trao đổi với bác sỹ để biết rằng cơ thể bạn đã sẵn sàng để mang thai lại hay chưa.
V. Chuẩn bị mang thai sau thai lưu cần chuẩn bị gì?
Chuẩn bị mang thai sau thai lưu cần phải làm những gì để có thể thuận lợi mang thai, tránh được những ám ảnh tâm lý ở lần mang thai trước đó.
1.Chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý
Tâm lý là điều đầu tiên cần phải giải tỏa cho người mẹ sau khi thai lưu. Người chồng nên là người động viên, chăm sóc và ở bên cạnh vợ. Tạo được một tinh thần tốt thì theo đó sức khỏe cũng sẽ tốt lên.
Nên hoãn lại việc mang thai ít nhất 6 tháng. Khi đã sẵn sàng mang thai trở lại, cả 2 vợ chồng nên kiểm tra, thăm khám lại sức khỏe và khả năng sinh sản để xác nhận xem có vấn đề bất thường nào không? Nếu có thì sẽ có can thiệp sớm để tránh gặp phải tình trạng như lần mang thai trước.
2. Chế độ dinh dưỡng chuẩn bị mang thai sau thai lưu
Một chế độ dinh dưỡng tốt để cơ thể khỏe mạnh là một điều quan trọng để chuẩn bị mang thai sau sinh. Tích cực bổ sung các dưỡng chất từ các nhóm thực phẩm giàu tinh bột, đạm, chất béo và vitamin
- Các thực phẩm giàu tinh bột: Khoai lang, bột yến mạch, khoai tây, ngô, bí đỏ, các loại đậu…
- Các thực phẩm giàu chất đạm: thịt gà, cá, phô mai, đậu hũ, đậu lăng, trứng, sữa, các loại hạt, bông cải xanh, quả bơ, rau bina…
- Thực phẩm giàu chất béo: bơ, phô mát, trứng, các loại hạt, cá, các loại hạt, trứng gà…
- Thực phẩm giàu vitamin: táo, cam, măng tây, nấm, rau xanh, sữa hoặc ngũ cốc…
Hy vọng sau bài viết này bạn có thể chuẩn tốt hơn cho kỳ thai sau. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.