Nội dung chính của bài viết
Chỉ cần có kỹ năng sales và marketing tốt bạn có thể thành công ở bất cứ lĩnh vực gì. Kỹ năng sales và marketing đóng vai trò rất quan trọng trong kinh doanh ngày nay, bởi vì sản phẩm của bạn tốt đến đâu mà không khiến người ta biết đến bạn thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Có một thực tế, ngày nay nhiều công ty tuy tuyển nhân viên marketing nhưng lại phân việc sale cho họ, hoặc ngược lại, tuyển sale lại phải kiêm luôn cả marketing. Điều này gây nên sự nhầm lẫn giữa công việc của Sales và Marketing. Bài viết này giúp chúng ta phân biệt được sales và marketing bản chất khác nhau như thế nào.
Bản chất của bộ phận bán hàng (Sale) là gì?
Khái niệm
Sales là vị trí nhân viên kinh doanh bán hàng cho doanh nghiệp. Nhân viên Sales có nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp với khách, tư vấn giúp khách hàng lựa chọn được những sản phẩm – dịch vụ phù hợp. Giải đáp các thắc mắc về sản phẩm dịch vụ, thuyết phục khách mua hàng giúp tăng doanh thu cho công ty.
Trong doanh nghiệp, Sales là bộ phận rất quan trọng giúp thúc đẩy doanh thu cho công ty. Các nhân viên Sales sẽ tiếp xúc với khách hàng trực tiếp hoặc qua điện thoại. Giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến với khách hàng đồng thời nắm bắt các nhu cầu để có thể tư vấn và đưa ra các lựa chọn phù hợp cho khách hàng, thúc đẩy hành vi mua hàng của khách.
Một người làm sale cần thực hiện công việc gì?
- Nắm vững các thông tin về sản phẩm dịch vụ công ty cung cấp như : các mã hàng sản phẩm, nguồn gốc, màu sắc, kiểu dáng, cách sử dụng…
- Đối với nhân viên Sales được phân công vị trí ở các cửa hàng phải luôn chú ý quan sát, hướng dẫn tư vấn cho khách về sản phẩm dịch vụ khi cần thiết, giúp khách lựa chọn được các sản phẩm phù hợp. Theo dõi tốc độ tiêu thụ hàng hóa và báo cáo
- Tìm kiếm khách hàng tìm năng: Gặp gỡ hoặc gọi điện liên hệ giới thiệu cho khách hàng về sản phẩm dịch vụ, nắm bắt nhu cầu tư vấn, cho khách dùng thử sản phẩm, giúp khách tiếp cận được các sản phẩm đang cần mua.
- Báo giá và đàm phán giá cả, thương thảo hợp đồng mua bán, thỏa thuận thời hạn thanh toán và giao hàng.
- Kiểm kê hàng hoá: Nộp hóa đơn bán hàng hằng ngày. Kiểm hàng, bổ sung mặt hàng thiếu. Kiểm kê dụng cụ hỗ trợ kinh doanh.
- Gửi báo cáo kinh doanh cho cấp trên.
Kỹ năng cần thiết đối với người làm sale là gì?
- Giao tiếp – Giao tiếp là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc sống. Để có hiệu quả tích cực trong kinh doanh, bạn cần phải giao tiếp tốt. Bạn có thể nói rõ ràng những kỳ vọng của bạn và miêu tả quá trình mà bạn mong muốn. Giao tiếp là chìa khóa để mô tả tầm nhìn và thực hiện chiến lược một cách hiệu quả.
- Tự tin – Tự tin là mấu chốt trong kinh doanh nhưng may mắn rằng đây là kỹ năng có thể trau dồi được thông qua huấn luyện. Một nhân viên tự ti, ăn nói lắp bắp sẽ không thể mang lại ấn tượng tốt. Do vậy, cần chắc chắn rằng bạn tuyển một người tự tin, biết cách trao đổi thông tin về sản phẩm, dịch vụ một cách dễ dàng.
- Lắng nghe – Kỹ năng quan trọng nhất mà người bán hàng nào cũng phải có chính là lắng nghe một cách cẩn thận. Hãy nhớ rằng bạn có 2 cái tai nhưng chỉ có 1 cái miệng, vì vậy hãy lắng nghe nhiều hơn là nói.
- Kết nối – Người bán hàng thành công phải là bậc thầy trong việc kết nối mọi người với nhau. Khi bạn nói chuyện với bất cứ ai, hãy quan sát cách mà họ nói chuyện.Trong cuộc trò chuyện, bạn cũng hãy tìm hiểu xem khách hàng đó là người thế nào, sở thích là gì. Chẳng hạn, nếu vị khách thích nuôi chó, hãy nói chuyện với họ về chủ đề chó để tìm kiếm sự tương đồng.
- Dạn dĩ , không sợ bị từ chối – Một trong những kỹ năng khó nhất mà dân sales phải đối mặt đó là thường xuyên bị từ chối. Nếu người ta nói “Không” với bạn ở lần đầu, đó có thể là do họ chưa cân nhắc kỹ. Hãy tiếp cận với họ lần thứ 2, thứ 3… Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ nghi ngờ bản thân. Bạn phải biết rằng người thành công là người làm được những việc mà kẻ thất bại đã từ bò trước đó.
- Thuyết phục – Nguyên tắc cốt lõi ở đây là bạn phải biết khách hàng cần gì và tìm cách thuyết phục họ. Hãy bán cho khách hàng thứ mà họ cần, chứ đừng bán thứ mà bạn có.
Yếu tố trở thành người seller xuất sắc là gì?
- Có khả năng kể chuyện lôi cuốn. Một người kể chuyện hay sẽ phá vỡ mọi rào cản, thu hút người nghe, biến bạn thành một diễn giả và có thể đưa trình bán hàng của bạn lên một tầm cao mới.
- Có óc hài hước, tính cách thân thiện, vui vẻ. “Nếu có thể khiến khách hàng cười, bạn đã thành công rồi đó!”, Elizabeth Ostby, Salesforce.
- Có thể làm đa nhiệm vụ, có khả năng xử lý được nhiều công việc khác nhau chứ không chỉ dừng ở việc bán hàng. Ví dụ biết chụp ảnh, makeup, làm marketing tiếp thị, đánh văn bản…
- Có hiểu biết về nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống sẽ giúp bạn có thể trò chuyện sôi nổi với bất kì khách hàng nào,làm ở lĩnh vực gì.
- Sự kiên trì – Ông bà ta thường nói: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” chính là muốn răn dạy con cháu phải luôn bền chí, nhẫn nại, dù khó khăn cũng không khuất phục, cho đến ngày gặt hái được thành công. Bạn không thể nản lòng trước những lời từ chối đến từ khách hàng vì rất có thể sau này khách hàng sẽ cần đến bạn. Hãy tạo cho mình khả năng bền bỉ và thường xuyên chăm sóc đến khách hàng tiềm năng, thành công sẽ sớm đến với bạn!
Bản chất của bộ phận Marketing là gì?
Khái niệm
Marketers, tên gọi chung của tất cả những người làm việc trong lĩnh vực marketing, là người vạch ra chiến lược kinh doanh, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp thông qua những sản phẩm cụ thể đến với người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.
Marketing là việc nghiên cứu và tiếp cận thị trường, phát hiện ra các cơ hội kinh doanh và khai thác chúng một cách có hiệu quả. Cơ hội kinh doanh chính là các nhu cầu và ước muốn của khách hàng cần được thỏa mãn. Marketing tìm cách trả lời cho câu hỏi: khách hàng cần gì, khi nào, ở đâu và sẵn sàng chi trả bao nhiêu cho nó?… Như vậy, marketing không phải là hoạt động tham gia vào công tác bán hàng.
Chức năng chủ yếu của marketing là thu hút và gìn giữ khách hàng, đánh bại đối thủ cạnh tranh thông qua chiến lược marketing bao gồm nhiều hoạt động kế tiếp và có liên quan chặt chẽ với nhau.
Một người làm Marketing cần thực hiện công việc gì?
- Nghiên cứu và theo dõi cạnh tranh: dự báo phản ứng của các đối thủ cũng như đề xuất kế hoạch đối phó với cạnh tranh.
- Nghiên cứu hành vi mua của người tiêu dùng: phân tích và dự đoán những phản ứng có thể có của người tiêu dùng đối với các chính sách marketing của doanh nghiệp.
- Xây dựng và lựa chọn chiến lược marketing một cách tối ưu cho các nhóm khách hàng khác nhau.
- Nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới nhằm đáp ứng tốt hơn mọi thay đổi từ phía nhu cầu của khách hàng.
- Xây dựng và quản lý chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng các cấp độ nhu cầu khác nhau, các nhóm khách hàng khác nhau.
- Xây dựng và điều chỉnh chính sách giá sản phẩm của doanh nghiệp (mức giá bán, mức hay tỷ lệ chiết khấu, giá khuyến mãi…)
- Thiết kế và quản lý hệ thống kênh phân phối sao cho sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
- Xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình khuếch trương, xúc tiến như quảng cáo, khuyến mại, quan hệ công chúng v.v…, đồng thời đánh giá hiệu quả của những kế hoạch và chương trình xúc tiến đó.
- Xác lập và quản lý mối quan hệ với khách hàng nhằm đảm bảo thỏa mãn khách hàng trong quá trình sử dụng sản phẩm.
- Thực hiện việc đánh giá và kiểm tra hoạt động marketing của doanh nghiệp, từ đó có những thay đổi cần thiết và đưa ra những tư vấn hợp lý cho những người làm công tác lãnh đạo trong doanh nghiệp.
Kỹ năng cần thiết đối với dân Marketing là gì?
- Viết nội dung – Là một nhà tiếp thị bạn phải có kỹ năng viết. Viết nội dung yêu cầu cơ bản về cách diễn đạt, sắp xếp ý, bố cục đoạn thì cần phải đúng xu hướng và tối ưu cho các công cụ tìm kiếm.
- Thu thập và kiểm tra dữ liệu – Việc nắm bắt xu hướng là rất quan trọng để sản xuất nội dung tiếp thị, vấn đề là làm sao để biết được những trào lưu mới trên mạng? Đó là lý do vì sao bạn cần phải có kỹ năng thu thập và kiểm tra dữ liệu.
- Phân tích số liệu – Tiếp thị không phải là việc làm bừa, cứ sản xuất nội dung, chèn thông điệp rồi tung ra bất biết đó là ai, có nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ của công ty hay không. Một nhà tiếp thị là người luôn thực hiện những cuộc khảo sát thực tế, thống kê, phân tích dữ liệu thu được rồi mới đưa ra quyết định phù hợp cho chiến dịch.
- Thiết kế đồ họa – Mặc dù nội dung văn bản là cách đơn giản nhất để truyền thông điệp đến người dùng, nhưng nội dung hình ảnh mới là cách đem lại hiệu quả cao nhất. Bạn không cần phải là một chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng chí ít phải có kĩ năng trong việc cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh, thêm hiệu ứng cho ảnh.
- Hiểu biết cơ bản về lập trình – Lập trình thuộc về kỹ thuật, bạn được yêu cầu phải biết cách đăng bài lên website, chỉnh sửa mã code đơn giản để điều chỉnh định dạng bài đăng. Thực tế là các hoạt động tiếp thị trực tuyến thường gắn liền với website bán hàng, đa phần đều coi đây là cái đích cuối cùng để thu hút người dùng.
- Quảng cáo trực tuyến – Quảng cáo luôn là một phần quan trọng của những chiến dịch tiếp thị, bạn cần phải xác định được hình thức quảng cáo nào là phù hợp nhất, mục tiêu, kế hoạch, ngân sách và phương pháp đo lường hiệu quả. Hiện nay có một số công cụ quảng cáo phổ biến là Google Adwords, Google Adsense, Facebook Ads, đặt banner, liên kết chéo,…
- Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) – Việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để đưa website lên thứ hạng đầu trong bảng kết quả của người dùng là cực kỳ quan trọng. Không nhất thiết phải biết chuyên sâu về SEO, bạn chỉ cần hiểu cách tối ưu hóa nội dung, liên kết trong và ngoài website bán hàng của mình là đủ.
Yếu tố trở thành người Marketing xuất chúng là gì?
- Linh hoạt , không bị mắc kẹt trong lối mòn. Con người thường hành động theo thói quen, nhưng đó là một án tử hình cho một đội ngũ tiếp thị. Bối cảnh tiếp thị đang phát triển không ngừng, khách hàng cũng đang phát triển, và các marketer cần phải theo kịp.
- Có khả năng cảm nhận nhu cầu, bắt kịp xu thế – Một marketer chuyên nghiệp sẽ luôn có những biến hóa không ngừng. Họ sẽ luôn luôn cập nhật các xu hướng mới, theo dõi và nghiên cứu toàn bộ tin tức và sự kiện liên quan nhằm làm tư liệu cho công việc của mình. Họ hiểu rõ rằng, sản phẩm hôm nay của họ sẽ trở nên lỗi thời qua từng giai đoạn khác nhau. Nếu không linh hoạt và nắm bắt xu hướng từng ngày từng giờ thì công việc sẽ đi vào ngõ cụt và sớm muộn bản thân cũng bị đào thải.
- Nói giỏi, viết giỏi – Bạn cần các kỹ năng như thuyết trình đề tài/ dự án của mình trước đám đông; trình bày ý tưởng của mình trong các cuộc họp, buổi thảo luận để thuyết phục khách hàng, đối tác. Bạn cũng cần kỹ năng giao tiếp tốt để làm việc với các đồng nghiệp xung quanh trong nhóm hay các bộ phận liên quan mật thiết nhằm hỗ trợ tốt cho công việc. Kỹ năng giao tiếp giỏi chính là “vũ khí” giúp bạn tương tác và làm việc hiệu quả, thuận lợi hơn.
Marketing có thể xem như tiếp xúc với khách hàng không trực diện, duy trì sự thu hút của thương hiệu với khách hàng và tập trung vào việc “kéo” khách hàng ghé thăm trang điện tử của công ty. Sale, mặt khác, tập trung vào khách hàng cũng như xem xét phản ứng giữa công ty và khách hàng để mang lại lợi ích cho cả hai bên. Một công ty thành công là công ty có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai bộ phận này và hậu thuẫn tích cực cho nhau. Bài viết này nhằm giúp bạn hiểu đầy đủ bản chất của Marketing và việc bán hàng để tránh sự nhầm lẫn. Cảm ơn bạn đã đọc bài, chúc bạn một ngày nhiều niềm vui!