Nội dung chính của bài viết
Chúng ta muốn giúp tổ chức, doanh nghiệp của mình phát triển một cách bền vững và toàn diện? Chúng ta muốn phát triển kỹ năng lãnh đạo của bản thân? Chỉ cần nắm vững 5 cấp độ phát triển kỹ năng lãnh đạo dưới đây, được giải thích thông qua 15 nguyên tắc cụ thể, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu rõ mình cần rèn luyện những gì để nâng cấp chính bản thân mình thành một nhà lãnh đạo thực sự có tầm ảnh hưởng tới nhân viên cấp dưới.
1. Định nghĩa kỹ năng lãnh đạo
Trong cuốn sách Phát triển kỹ năng lãnh đạo, John C. Maxwell đưa ra một định nghĩa vô cùng dễ hiểu về kỹ năng lãnh đạo. Đó là gây ảnh hưởng – khả năng thu phục nhân tâm mọi người của các nhà lãnh đạo.
Nhiều người cho rằng lãnh đạo là khả năng đạt được một vị trí mong muốn, không phải nhằm thu phục nhân tâm. Do đó, họ nghĩ rằng khi có một chức vụ hoặc đạt được một địa vị cao nghĩa là họ đã trở thành một nhà lãnh đạo.
Điều này dẫn đến hai vấn đề phổ biến: một là, những người có “địa vị” lãnh đạo có thể phải nếm trải sự cay đắng khi không có người nào đi theo ủng hộ; hai là, những người không may mắn có được chức vụ cao cho rằng mình không phải là lãnh đạo nên không cần phát triển kỹ năng lãnh đạo của bản thân.
Hãy nhớ lại xem, chẳng phải đã từng có những việc rất nhỏ nhưng ảnh hướng lớn tới chúng ta. Ngược lại, chính ta cũng đã gây ảnh hưởng tới những người xung quanh, thế giới xung quanh, dù là chúng ta cố tình hay vô ý. Tóm lại, khả năng gây ảnh hưởng chính là thước đo của một nhà lãnh đạo. Hiểu rõ điều này sẽ giúp chúng ta phát triển khả năng lãnh đạo của bản thân.
2. Hiểu rõ 5 cấp độ lãnh đạo và 15 nguyên tắc để phát triển kỹ năng lãnh đạo
Với định nghĩa về kỹ năng lãnh đạo nêu trên, chúng ta hiểu rằng muốn phát triển kỹ năng lãnh đạo cần gia tăng mức độ ảnh hưởng của mình với mọi người. Quá trình phát triển đó trải qua 5 cấp độ như sau:
Kỹ năng lãnh đạo cấp độ 1: Chức vị
Mọi người theo chúng ta là vì họ buộc phải làm vậy
Đây là cấp độ cơ bản đầu tiên một nhà lãnh đạo cần có. Chúng ta có ảnh hưởng khi chúng ta có chức vụ và quyền hạn. Những người ở cấp độ này có quyền hành do vị trí, cơ cấu tổ chức hay truyền thống đem lại. Những điều này tuy không có tác động tiêu cực nhưng nó không thể thay thế các kỹ năng lãnh đạo. Ba nguyên tắc dưới đây là những nguyên tắc cơ bản trong quá trình bắt đầu phát triển kỹ năng lãnh đạo của chúng ta.
Nguyên tắc 1 – Nguyên tắc Giới hạn: Khả năng lãnh đạo quyết định mức độ hiệu quả của công việc.
Hiệu quả công việc của một người bị giới hạn bởi tài năng lãnh đạo của họ. Tài năng lãnh đạo của một người cao thì hiệu quả công việc của người đó càng cao. Tài năng thấp thì hiệu quả cá nhân càng thấp. Vì vậy muốn nâng cao hiệu quả công việc thì cần phát triển khả năng lãnh đạo.
Nguyên tắc 2 – Nguyên tắc Quá trình: Kỹ năng lãnh đạo phát triển hàng ngày – không phải trong một ngày.
Chúng ta có thể được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo trong một ngày nhưng phát triển kỹ năng lãnh đạo là cả một quá trình lâu dài. Khi áp dụng Nguyên tắc Quá trình, chúng ta cần hiểu rằng được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo chỉ là điểm khởi đầu.
Nguyên tắc 3 – Nguyên tắc Thuyền trường: Ai cũng có thể lái tàu nhưng chỉ có lãnh đạo mới có thể làm thuyền trưởng vạch ra hành trình.
Lái tàu thì nhiều người làm được nhưng không phải ai cũng có thể chỉ ra hành trình và lái con thuyền về đến đích. Đó chính là công việc của nhà lãnh đạo – người thuyền trưởng.
Người lãnh đạo có vai trò như một thuyền trưởng đưa tổ chức đi đúng hướng
Vậy làm sao để vạch ra hành trình đúng? Công thức được nhiều nhà lãnh đạo áp dụng là: “Xác định kế hoạch hành động – vạch ra mục tiêu – điều chỉnh những ưu tiên – chia sẻ thông tin với các nhân vật chủ chốt khác và nhận được sự chấp nhận của họ – đi thẳng tới hành động – dự kiến khó khăn – luôn hướng về thành công – xem xét lại bản kế hoạch hằng ngày”.
Kỹ năng lãnh đạo cấp độ 2: Sự chấp thuận
Mọi người đi theo chúng ta vì họ muốn vậy
“Lãnh đạo là khả năng khiến mọi người làm việc cho chúng ta mà không vì nghĩa vụ”. Điều này sẽ xảy ra khi chúng ta đạt đến cấp độ gây ảnh hưởng thứ hai. Người ta thường hay không quan tâm trình độ của chúng ta ra sao đến khi họ biết chúng ta đã quan tâm họ như thế nào. Sự lãnh đạo phải xuất phát từ trái tim chứ không phải từ cái đầu. Khả năng này phát triển nhờ mối quan hệ tốt mà không phải nhờ những quy định. Vậy làm thế nào để chúng ta gây dựng ảnh hưởng tích cực với người khác?
Nguyên tắc 4 – Nguyên tắc Lắng nghe: Khi người lãnh đạo thực thụ lên tiếng, người khác lắng nghe.
Không phải cứ có chức quyền thì đã là người lãnh đạo. Một người lãnh đạo khiến người khác lắng nghe là nhờ những yếu tố: (1) Tính cách: là người như thế nào; (2) Mối quan hệ: quen biết những ai; (3) Kiến thức: biết những gì; (4) Kinh nghiệm: trải qua những gì; (5) Khả năng: biết làm những gì; (6) Thành công: làm được những gì.
Lãnh đạo là người khiến người khác phải lắng nghe
Nguyên tắc 5 – Nguyên tắc Tạo thêm giá trị: Nhiệm vụ của lãnh đạo đó là tạo thêm giá trị cho người khác.
Rất nhiều người khi bắt đầu đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chỉ vì động cơ cá nhân. Khi đến Cấp độ 2, lãnh đạo cần thực hành Nguyên tắc Tạo thêm giá trị bằng cách hỗ trợ, phát triển và tạo giá trị cho người khác.
Nguyên tắc 6 – Nguyên tắc Lòng tin: Lòng tin là nền tảng của lãnh đạo.
Chúng ta không thể gây ảnh hưởng đối với những người không tin tưởng chúng ta. Lòng tin chính là cầu nối gắn kết mọi người. Lòng tin bắt đầu từ Cấp độ 2 và càng phát triển hơn nữa khi chúng ta tiến lên Cấp độ cao hơn.
Nguyên tắc 7 – Nguyên tắc Kết nối: Lãnh đạo phải thể hiện cái tâm trước khi nhờ hỗ trợ.
Kết nối là khả năng thấu hiểu và đồng cảm với người khác. Nhà lãnh đạo phải kết nối cảm xúc được với đám đông và với từng cá nhân. Người lãnh đạo tài năng luôn hiểu rằng “lãnh đạo bản thân bằng lý trí, lãnh đạo mọi người bằng trái tim”.
Lãnh đạo bản thân bằng lý trí, lãnh đạo mọi người bằng trái tim
Kỹ năng lãnh đạo cấp độ 3: Định hướng kết quả
Mọi người theo chúng ta vì những gì chúng ta đã làm cho công ty hay tổ chức
Có một sự khác biệt lớn giữa cấp độ 2 và cấp độ 3. Ở cấp độ 2, con người đến với nhau theo đúng nghĩa đen mà không có mục tiêu nào khác. Ở cấp độ 3, con người đến với nhau để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Những nguyên tắc dưới đây sẽ giúp chúng ta đánh giá khả năng đóng góp của bản thân cho tổ chức.
Nguyên tắc 8 – Nguyên tắc Tấm gương: Chúng ta làm theo những gì chúng ta thấy.
Nhà lãnh đạo tài năng ngoài việc có tầm nhìn xa trông rộng thì cần phải thực tế, họ phải là người biết làm những việc thực tế và đóng góp cho tổ chức. Người lãnh đạo nói được nhưng lại không làm được thì cuối cùng cũng dẫn đến nhân viên mất tin tưởng vào người lãnh đạo, nhân viên sẽ không tin theo.
Nguyên tắc 9 – Nguyên tắc Chiến thắng: Lãnh đạo luôn tìm ra cách giúp tập thể chiến thắng.
Lãnh đạo ở Cấp độ 3 luôn tìm ra cách thức giúp đội của mình đạt mục tiêu. Họ làm điều này thường xuyên và không quản ngại những khó khăn, thử thách hay nghịch cảnh.
Nguyên tắc 10 – Nguyên tắc Thời điểm vàng: Lãnh đạo cần nhận biết thời điểm vàng.
Lãnh đạo nhận biết khi nào thời điểm vàng đến để đưa ra hành động thích hợp – từ đó tạo ra kết quả tích cực. Ví dụ điển hình cho điều này là ông Jimmy Carter – từ thống đốc bang Georgia đã trở thành Tổng thống Mỹ thứ 39. Ông đã nhận thấy thời cơ vàng ngọc đến từ sự lo ngại của nước Mỹ về chiến tranh Việt Nam và các vụ bê bối Watergate để tiến hành chiến dịch tranh cử và đã chiến thắng.
Nguyên tắc 11 – Nguyên tắc Ưu tiên: Lãnh đạo hiểu rằng làm việc không có nghĩa là đạt kết quả.
Khi thực hiện nguyên tắc này, lãnh đạo hiểu rằng bận rộn không hẳn là hiệu quả nếu chúng ta không biết lập thứ tự ưu tiên và không chú ý vào những việc quan trọng. Biết cách ưu tiên công việc sẽ giúp đem lại hiệu suất cao nhất cho bản thân và cả tập thể.
Biết ưu tiên công việc là kỹ năng quan trọng của nhà lãnh đạo
Kỹ năng lãnh đạo cấp độ 4: Phát triển con người
Mọi người theo chúng ta vì những gì chúng ta đã làm cho họ
Một nhà lãnh đạo tài giỏi không phải nhờ quyền lực người đó nắm trong tay, mà ở chỗ có khả năng phát huy tài năng của người khác. Sự thành công mà không có người kế tục thì đó cũng là sự thất bại. Lòng trung thành của đội ngũ kề cận đối với nhà lãnh đạo đạt tới mức độ cao nhất khi họ ngày càng trưởng thành hơn dưới sự dìu dắt của nhà lãnh đạo. Sau đây là các nguyên tắc để xây dựng đội ngũ kế cận.
Nguyên tắc 12 – Nguyên tắc Lập nhóm thân cận: Tiềm năng phát triển của lãnh đạo dựa trên nhóm người thân tín.
Nếu chúng ta có tầm nhìn lớn, chúng ta cần một nhóm người thân tín có năng lực để giúp mình đạt được mục tiêu. Những người kề cận này giống như thành viên gia đình thứ hai của chúng ta và sẽ giúp chúng ta trong công việc lãnh đạo để đạt điều mong muốn.
Đội ngũ thân cận sẽ hỗ trợ đắc lực lãnh đạo đạt được mục tiêu của tập thể
Nguyên tắc 13 – Nguyên tắc Trao quyền: Chỉ những lãnh đạo mạnh mẽ tự tin mới biết trao quyền cho người khác.
Nhiều nhà lãnh đạo lo sợ khi phân quyền sẽ đánh mất vị trí, mất quyền lợi, mất sự tin tưởng, lo sợ người khác hơn mình. Chúng ta không thể tiến lên cấp độ lãnh đạo số 4 nếu không biết cách trao quyền, chia sẻ quyền lực cho người khác và phát triển tiềm năng lãnh đạo trong họ.
Kỹ năng lãnh đạo cấp độ 5: Cá nhân
Mọi người theo chúng ta vì kính trọng con người chúng ta và những gì chúng ta tạo dựng
Chỉ khi kỹ năng lãnh đạo được thử thách và rèn luyện trong suốt cả cuộc đời mới cho phép chúng ta đạt cấp độ 5 và gặt hái thành quả có ý nghĩa vĩnh cửu.
Ở cấp độ này, mọi người đi theo chúng ta vì chúng ta là ai và biết chúng ta đại diện cho điều gì.
Nguyên tắc 14 – Nguyên tắc Phát triển vượt bậc: Muốn phát triển theo cấp số cộng, hãy dẫn dắt nhân viên – muốn phát triển theo cấp sô nhân, hãy dẫn dắt lãnh đạo.
Mỗi khi chúng ta phát triển được một người có khả năng lãnh đạo ở cấp độ 4, chúng ta thay đổi doanh nghiệp và tăng cơ hội thành công. Lý do khi chúng ta đào tạo được đội ngũ lãnh đạo kế thừa, chúng ta không chỉ có được những nhà lãnh đạo mới mà còn có được tất cả những người đi theo họ.
Nguyên tắc 15 – Nguyên tắc Di sản: Giá trị bền vững của người lãnh đạo được đánh giá bởi giá trị kế thừa.
Những nhà lãnh đạo tài ba luôn để lại di sản, nền móng tạo nên hiệu quả và thành công của tổ chức cho những nhà lãnh đạo kế tiếp. Tổ chức của họ vẫn phát triển trên nền tảng di sản đã gây dựng và để lại sau khi người lãnh đạo ra đi.
Những nội dung trên đây được là một phần nội dung cuốn sách Phát Triển Kỹ Năng Lãnh Đạo của John C. Maxwell. Nếu chúng ta mong muốn phát triển kỹ năng lãnh đạo của bản thân, hãy làm giàu kiến thức về lãnh đạo của chúng ta với cuốn sách này. Những nguyên tắc mà ông đưa ra chắc chắn sẽ mang đến những đổi thay tích cực trong cuộc sống và công việc của chúng ta.