Nội dung chính của bài viết
Quyển sách “Quảng cáo không nói láo” ra đời, để chứng minh cho những ai đã từng ghim sâu trong đầu quan niệm: “Quảng cáo nói láo”.
Quảng cáo không nói láo, nó chỉ cóp nhặt những hạnh phúc đời thường, và kể lại cho bạn nghe mà thôi. Cùng theo dõi bạn nhé!
1. Giới thiệu về tác giả quyển sách “Quảng cáo không nói láo”
Quyển sách “Quảng cáo không nói láo” được viết từ 10 năm trước, của tác giả Hồ Công Hoài Phương, kể từ lúc xuất bản. Đó là sự tích cóp của việc viết hơn 400 bài blog của tác giả, trong đó mỗi bài blog là một quan điểm, một góc nhìn về quảng cáo, truyền thông và tiếp thị.
Nó được viết ra từ những nghiên cứu, kiến thức, đúc kết từ chính trải nghiệm công việc thực tế, học, đọc và giảng dạy hơn 10 năm trong nghề.
Hồ Công Hoài Phương – tác giả Quảng cáo không nói náo
Xuất phát điểm của tác giả , là một học sinh chuyên Lý, tốt nghiệp chuyên ngành Cơ- Điện tử, đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng cuối cùng, tác giả chọn ngành quảng cáo, vì cơ duyên, vì đam mê, vì một lý do thật đơn giản: “Tôi không biết là mình có thể làm gì tốt hơn”.
2. Tại sao quyển sách này ra đời?
Lý do quyển sách này ra đời, để dành cho những ai từng tin rằng “ Quảng cáo nói láo ăn tiền”. Quảng cáo và kiến thức luôn song hành cùng nhau. Sáng tạo là một hoạt động nghệ thuật.
Nhưng để quảng cáo hiệu quả, mang lại kết quả mong muốn, nó cũng phải tuân theo những quy tắc khoa học cơ bản.
Tác giả nói: “ Cuốn sách của tôi không phải là cuốn sách với những ý tưởng hoa mỹ, ngôn tình về quảng cáo. Nó là cuốn sách nhìn quảng cáo dưới lăng kính khoa học, dẫu hơi lạnh lùng.”
3. Review “Quảng cáo không nói láo”
Sách quảng cáo không nói láo được chia thành 10 chương, với 5 nhóm chủ đề lớn: quảng cáo, thương hiệu, chiến lược, ý tưởng, chuyện nghề. Mỗi chương là tập hợp những câu chuyện nhỏ, được liên kết lại để làm sáng tỏ cho chủ đề chương.
3.1 Quảng cáo – tác động tới bộ não và chi phối hành vi
Phần đầu tiên của chương sách, tác giả đề cập về một câu chuyện rất đỗi gần gũi, và thân thuộc. Đó chính là quảng cáo OMO, thông qua câu hỏi của người mẹ: “Tại sao OMO quảng cáo hoài vậy con?”.
Trả lời được câu hỏi này, người đọc có thể rút ra được một số thông tin quan trọng về bộ nhớ của con người, thông tin nào dễ tiếp thu, cũng như nguyên tắc “xa mặt cách lòng” để giành lấy bộ nhớ từ khách hàng.
Quảng cáo tác động tới bộ não và chi phối hành vi
Khái niệm USP ( unique selling point – điểm khác biệt) được sử dụng phổ biến trong mọi bản kế hoạch quảng cáo. Tư duy USP hay tư duy “tạo thông tin sản phẩm độc đáo, dùng để thuyết phục vào lý trí”, tuy nhiên đến cuối những năm 1950 không còn được phù hợp nữa.
Vì lý do chúng ta ngày càng khó tạo ra một sản phẩm thật sự độc đáo và khác biệt, công nghệ đã rút ngắn khoảng cách khác biệt của sản phẩm. Và trong rất nhiều ngành hàng, khác biệt không phải là điều tất yếu khiến chúng ta mua hàng.
Do vậy, thay vì tư duy USP, để tìm ra điểm bán hàng khác biệt, chúng ta có thể tự tạo cho mình một cảm xúc khác biệt (UEP) cho thương hiệu.
3.2 Thương hiệu – góc nhìn khác hơn và mới hơn
Một trong những mục tiêu mà người làm quảng cáo thường hướng tới khi xây dựng thương hiệu là lòng trung thành và tình yêu đối với thương hiệu.
Nhưng với tác giả Hoài Phương thì khác. Với anh, quan điểm một thương hiệu mạnh là khi thương hiệu có thật nhiều khách hàng đã từng mua nó, mặc dù chỉ một lần. Mục tiêu lớn nhất để xây dựng thương hiệu là mức độ mở rộng.
Giữa người tiêu dùng và thương hiệu, hiếm khi xảy ra mối quan hệ yêu thương, mà đơn thuần là một giao dịch kinh tế. Niềm tin và thông tin là nền tảng cho giao dịch kinh tế này được xảy ra.
3.3 Chiến lược – cách vượt qua thách thức
Theo quan điểm của tác giả: “ Chiến lược rất đơn giản, đó là việc xác định ra thách thức cần vượt qua, tìm ra điểm tựa (thấu hiểu) để vượt qua thách thức một cách hiệu quả nhất”. Và quy trình hoạch định chiến lược bao gồm 4 chữ I: Intention, Issue, Insight và Idea.
Ý tưởng sáng tạo sẽ khác nhau, nếu như chúng ta xác định các thách thức và thấu hiểu khác nhau.
3.4 Ý tưởng – cái nhìn khác hơn về những thuật ngữ thời thượng
Thách thức lớn nhất của quảng cáo chính là người bình thường từ chối quảng cáo. Họ không muốn nghe, từ chối tương tác. Vậy thì làm thế nào để lên những ý tưởng quảng cáo khiến cho người tiêu dùng biết là quảng cáo, nhưng vẫn muốn xem?
Việc đánh giá một ý tưởng tốt, được đánh giá thông qua quy tắc Barrier đánh giá ý tưởng. Dựa trên một số tiêu chí:
- Quảng cáo phải phù hợp với thương hiệu.
- Có giải quyết được vấn đề nào đó hay không?
- Vai trò của sản phẩm, sự cần thiết, và vai trò đối với người tiêu dùng có rõ ràng hay không?
- Quảng cáo thân thuộc với người tiêu dùng. Họ phải thấy những gì nhà quảng cáo nói, có liên quan, giá trị và mang đến lợi ích thiết thực cho họ.
- Ý tưởng có thật sự thú vị, mới mẻ, một góc nhìn khác về sản phẩm, về chính khách hàng, hay cuộc sống của họ hay không?
- Quảng cáo phải vui, phải giải trí và tạo cảm hứng.
Theo như báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Millward Brown, tiềm năng được “viral”( phát tán diện rộng trên các kênh truyền thông) là cực kỳ nhỏ, vì đơn giản không ai thích xem quảng cáo. Và ông phát hiện ra rằng, những phim viral thành công đều được…mua quảng cáo.
Phim viral thành công đều được …mua quảng cáo
Việc sáng tạo có thể làm cho quảng cáo hiệu quả hơn, nhưng nó vẫn cần một khoản đầu tư. Và đừng mong người bình thường view, like, share một đoạn phim quảng cáo, vì cơ bản nó không mang lại nhiều giá trị cho họ.
Thay vào đó, nhà quảng cáo hãy tạo ra những đoạn phim được quay thật đẹp, hình ảnh và âm thanh xuất sắc, để khách hàng nói với cả thế giới về gu thẩm mĩ, sở thích, món quà gửi tặng bạn bè, giá trị hay tư tưởng sống mà người tiêu dùng đang theo đuổi.
3.5 Chuyện nghề – chuyện về cuộc sống của người làm quảng cáo
Đó là câu chuyện về cuộc sống, của một người làm quảng cáo, hoạch định chiến lược, hoặc đơn giản là những mẩu chuyện vui buồn trong công ty quảng cáo, dành cho những bạn trẻ bước vào ngành
Mọi thứ đều xuất phát từ những điều đơn giản, bình dị nhất, đừng quá chú tâm vào những báo cáo nghiên cứu thị trường, hãy lắng nghe câu chuyện của người tiêu dùng.
Đừng đọc sách về quảng cáo quá nhiều, hãy đọc tiểu thuyết, xem phim, đi siêu thị,… để thấy những khía cạnh của câu chuyện đa màu, thấm đẫm tình người, để thấu hiểu hơn, tạo ra những mẫu quảng cáo chạm tới cảm xúc của người dùng.
Tác giả không yêu cầu chúng ta trở thành một người làm quảng cáo xuất sắc, mà chỉ cần là một người bình thường xuất chúng. Bạn chỉ cần chịu dấn thân, năng tiếp xúc với nhiều nhóm khách hàng, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều ngóc ngách thú vị, mà ta chưa bao giờ nghĩ tới.
4. Đánh giá về sách quảng cáo không nói láo từ người có chuyên môn
Anh Lê Phan Quý Hiền, Regional Senior Insights Manager- Asia Pacific Region- Pepsico:
“Tôi nghĩ, đây là một trong những cuốn sách “giáo khoa” thực tiễn nhất về ngành tiếp thị, và quảng cáo tại Việt Nam hiện nay. Sách được viết dưới lăng kính của một người có nền tảng khoa học vững chắc nên rất thực tế, chặt chẽ và đi thẳng vào vấn đề…”
Phương Nguyễn – Nhà sáng lập Học viện Tiếp thị Ứng dụng Sage/ Thành viên Sage Group:
“ Bạn sẽ thấy được nhiều chiến lượng và ý tưởng bật lên, giải quyết tốt thách thức mà thương hiệu, công ty bạn gặp phải khi bạn đang đọc cuốn sách này. Cuốn sách được viết ra không chỉ để tham khảo, mà để giải quyết vấn đề của chính bạn. Sâu sắc, thực tiễn và phù hợp với ngành tiếp thị, quảng cáo ở Việt Nam.”
Nguyễn Hữu Nghị – Sáng lập Brands VietNam:
“…Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý với những quan điểm của Phương, nhưng đơn giản là bạn không nên bỏ qua những điều thú vị trong cuốn sách này: thế giới quảng cáo qua lăng kính của một planner. Vậy bạn còn chờ gì nữa?”.
Trên đây, là nội dung review chi tiết về quyển sách “ Quảng cáo không nói láo”, về những trải nghiệm học, đọc và giảng dạy trong hơn 10 năm kinh nghiệm. Quyển sách này chính là câu trả lời đầy đủ nhất cho thắc mắc “ Quảng cáo có nói láo không?”.
Xin nhắc lại rằng, đây chỉ là những đánh giá tổng quan, cũng như một vài chi tiết nổi bật trong nội dung của quyển sách. Bạn hãy đọc và trải nghiệm từng chủ đề, nghiền ngẫm nó, để hiểu sâu sắc hơn, để tìm thấy nhiều ý tưởng mang tính chiến lược nhãn hàng mà bạn đang phụ trách, và hơn thế nữa, hãy đọc để ủng hộ tác giả bạn nhé!