Nội dung chính của bài viết
Nhượng quyền thương hiệu (nhãn hiệu) là tên gọi được phiên dịch ra từ thuật ngữ tiếng Anh “franchise”, tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay quy định tên gọi chính xác là nhượng quyền thương mại (NQTM). Đây là một trong số hoạt động thương mại phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới.
Thuận lợi và khó khăn trong kinh doanh nhượng quyền thương hiệu?
Kinh doanh theo chuỗi cửa hàng đang phát huy thế mạnh về mặt quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nhưng về hiệu quả thì vẫn còn nhiều điều phải xem lại.
Kinh doanh chuỗi tại Việt Nam phát triển nhanh là vì hợp với xu thế của thế giới và thị trường tại Việt Nam còn quá nhiều tiềm năng. Xét về lợi thế, kinh doanh chuỗi giúp thương hiệu dễ tạo ấn tượng trong lòng người tiêu dùng vì hệ thống nhận diện đặc trưng, đồng nhất, dịch vụ khác biệt, đi đâu cũng bắt gặp thương hiệu.
Tuy nhiên, để bán được “nhượng quyền” thì các doanh nghiệp này phải chứng tỏ được tiềm năng kinh doanh, sức hút của thương hiệu và cũng phải đối mặt với nguy cơ bị giảm uy tín nếu quản lý không tốt và bên nhận nhượng quyền không thực hiện đúng cam kết.
Thuận lợi trong kinh doanh nhượng quyền thương hiệu:
- Có sẵn khách hàng trung thành: Thông thường các thương hiệu muốn nhượng quyền thì họ đã có sẵn một thị phần khá rõ ràng trên thị trường. Lúc đó nhượng quyền mới có giá trị, và vì điều này nên các bên nhận nhượng quyền sẽ không cần tốn thời gian định hình thương hiệu trên thị trường nữa.
- Chất lượng được đảm bảo : Các hệ thống chuỗi cửa hàng nhượng quyền thường được giám sát rất chặt chẽ về mặt chất lượng, bộ phận quản lý nhượng quyền luôn cố gắng để chất lượng các chi nhánh được đồng đều.
- Chuẩn hóa hệ thống quy trình : Các quy trình từ vận hành kinh doanh, thiết lập quán setup, đào tạo nhân viên đều sẽ được hệ thống hóa. Điều này nhằm giúp cho những người khởi sự tiết kiệm thời gian và rủi ro trong quá trình quản lý và vận hành quán..
- Được hỗ trợ từ chủ nhượng quyền : Chủ nhượng quyền có nghĩa vụ phải hỗ trợ tối đa các bên nhận nhượng quyền từ việc pháp lý, bày trí, và marketing.
Khó khăn trong kinh doanh nhượng quyền thương hiệu:
- Không sở hữu hoàn toàn thương hiệu : bên nhận nhượng quyền cần nằm lòng một điều rằng là bạn không sở hữu thương hiệu. Bạn chỉ đang được phép kinh doanh dưới tên thương hiệu của người khác. Cho nên nếu các bên nhận thương hiệu không tuân thủ yêu cầu của bên chủ nhượng quyền thì rủi ro mất hợp đồng nhượng quyền là rất cao.
- Thiếu sáng tạo : Khi nhận nhượng quyền thương hiệu, gần như mọi thứ đều được định sẵn cho các bên nhận thương hiệu và có khuôn khổ. Các chính sách đều được đưa xuống từ bên chủ thương hiệu nên gần như việc sáng tạo trong vận hành kinh doanh là không có.
- Cạnh tranh trong chuỗi : Tình trạng cạnh tranh trong chuỗi cụ thể là tại các cửa hàng gần nhau đang là thực trạng đau đớn của nhận nhượng quyền. Việc cửa hàng nhượng quyền cách nhau chỉ 200m trong 1 khu dân cư là có thật. Điều này dẫn đến việc kinh doanh khó khăn hơn do cung lớn hơn cầu.
Cần lưu ý gì để kinh doanh nhượng quyền thương hiệu?
Nghiên cứu thị trường
Đối với tất cả các ngành kinh doanh, khi muốn triển khai đều cần phải nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng. Điều đó vô cùng quan trọng. Bạn cần tìm hiểu xem thị trường đó đang thiếu gì và đang cần gì, nhu cầu ra sao và sản phẩm của bạn có còn được ưa chuộng không.
Shark Nguyễn Hòa Bình đã chia sẻ, theo thống kê hơn 90% startup Việt Nam khởi nghiệp và thất bại hoặc giải thể trong 3 năm đầu vì nguyên nhân là do kinh doanh sản phẩm thị trường không cần.
Chọn thương hiệu phù hợp
Đầu tiên hãy xét về vấn đề tài chính, bạn nên chuẩn bị kĩ nguồn tài chính vì khi nhượng quyền kinh doanh bạn phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ. Vì vậy, cần phải chọn thương hiệu phù hợp với tình hình tài chính của mình.
Thứ hai, cần dự đoán hiệu quả kinh doanh khi sử dụng thương hiệu này. Hãy quan sát thử các cửa hàng đã được nhượng quyền thương hiệu kinh doanh như thế nào có hiệu quả không.
Bảo hộ thương hiệu
Đối với mỗi thương hiệu cần có bản quyền và được bảo hộ. Việc bảo hộ thương hiệu cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng. Nếu bạn không tiến hành điều này, thì sau một thời gian bạn kinh doanh sẽ có hàng tá những cửa hàng với thương hiệu tương tự mở ra cạnh tranh mà không tốn một xu nào nào cả. Hãy đảm bảo thương hiệu được đăng ký với cơ quan pháp luật và được bảo vệ để tránh mất cả núi tiền.
Đam mê
Đam mê luôn là điều cần thiết trong mọi lĩnh vực. Có đam mê và dốc hết lòng vào công việc chúng ta mới có thể thực hiện công việc hết mình và có hiệu quả. Bạn có thể làm chủ nhưng đôi khi cần tham gia vào quá trình hoạt động cũng như những công việc trong quá trình kinh doanh.
Tính tuân thủ
Nếu bạn kinh doanh sản phẩm của riêng mình, bạn có thể tự do sáng tạo theo ý mình trong quá trình kinh doanh. Tuy nhiên, khi bạn kinh doanh nhượng quyền thương hiệu nghĩa là bạn được chuyển giao công thức và tất cả những gì liên quan đến quy trình kinh doanh từ thương hiệu đó, nếu bạn muốn thay đổi hoặc cải tiến thêm thì bạn cần phải thông qua sự đồng ý của bên nhượng quyền để tránh các rắc rối về mặt pháp lý.
Cần chuẩn bị để kinh doanh nhượng quyền thương hiệu?
- Vốn
Đầu tiên khi làm bất cứ việc gì thì là vốn, các bạn có thể thấy chi phí nhượng quyền thương hiệu trên thị trường là không hề rẻ. Và chi phí để duy trì hợp đồng mỗi tháng cũng không ít, nên các bên nhận nhượng quyền nên tính toán thật kỹ càng về chi phí cố định hàng tháng nhất là trong thời gian đầu để tránh được tối thiểu các rủi ro có thể xảy ra. - Nghiên cứu thị trường nhằm để chọn thương hiệu thích hợp
Trước khi làm bên nhận nhượng quyền, các bên nhận nên tìm hiểu thật kỹ thị trường mà mình đang hướng đến, liệu thương hiệu mình đang nhắm đến còn đủ “hot” hay xứng đáng với số tiền mình sắp phải bỏ ra hay không. - Địa điểm
Dù thương hiệu bạn nhận có lớn đến mức nào mà nếu chọn sai địa điểm thì mọi tiền bạc công sức cũng sẽ không hiệu quả, thông thường thì việc lựa chọn địa điểm thì bên nhận nhượng quyền sẽ được bên chủ thương hiệu tư vấn kỹ càng về việc địa điểm. Vì địa điểm là yếu tố cốt lõi mang mang lại thành công cho ngành kinh doanh nhượng quyền.
Vì vậy, chủ doanh nghiệp cần cân nhắc và lưu ý các vấn đề về nhượng quyền thương hiệu trong việc áp dụng cách này vào hoạt động kinh doanh của mình. Chúc bạn thành công!
Thủ tục đăng ký nhượng quyền
- Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại bao gồm:
- Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
- Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại.
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt nam;
Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu, các loại giấy tờ sau:
+ Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;
+ Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.
- Nơi nộp hồ sơ: Bộ Công thương.
- Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công thương thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và thông báo bằng văn bản cho thương nhân về việc đăng ký đó.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hợp đồng nhượng quyền thương mại trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam phải có những nội dung chủ yếu về:
- Nội dung của quyền thương mại.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
- Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
Điều kiện để nhượng quyền thương mại
- Điều kiện với bên nhượng quyền: Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm
- Đối với bên nhận nhượng quyền : Trước đây quy định về hướng dẫn nhận nhượng quyền thương mại thì thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại. Tuy nhiên, căn cứ vào Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ công thương thì quy định về điều kiện trên đã bị bãi bỏ, có nghĩa là nhà nước không còn quy định về điều kiện đối với bên nhận nhượng quyền thương mại.
Với sự thành công cao từ các thương hiệu nước ngoài cùng với sự mở cửa ngày càng lớn của thị trường đã khiến nhượng quyền thương mại trở thành một đề tài nóng hổi của nhiều người trẻ việt muốn kinh doanh cũng như các doanh nghiệp trong nước muốn tham gia vào chuỗi cung ứng thương hiệu nước ngoài này. Hãy bỏ túi những kiến thức về mô hình này để công việc được suôn sẻ, chúc bạn thành công!