Nội dung chính của bài viết
- 1. Chiến dịch ứng dụng toàn cầu là gì?
- 2. Chiến dịch ứng dụng toàn cầu có thể liên kết với những cửa hàng ứng dụng nào?
- 3. Chiến lược đặt giá thầu và nhắm mục tiêu
- 4. 5 loại chiến dịch ứng dụng toàn cầu
- 5. 7 bước để thiết lập một Chiến dịch ứng dụng toàn cầu
- 6. 7 lưu ý để có hiệu suất quảng cáo với Chiến dịch ứng dụng toàn cầu
- 6.1.Tối ưu hóa định dạng quảng cáo trên các kênh khác nhau
- 6.2. Bắt đầu với Chiến dịch ứng dụng toàn cầu cho lượt cài đặt
- 6.3. Chạy các chiến dịch ứng dụng toàn cầu một thời gian trước khi điều chỉnh ngân sách
- 6.4. Ngân sách dành cho chiến dịch ứng dụng toàn cầu
- 6.5. Ngôn ngữ quảng cáo phù hợp theo khu vực, quốc gia
- 6.6. Phân đoạn Chiến dịch ứng dụng toàn cầu
- 6.7. Kiểm tra quảng cáo của bạn trước khi chạy chiến dịch ứng dụng toàn cầu
Hiện nay, trên các cửa hàng ứng dụng đã có hơn 5 triệu ứng dụng được phát hành. Nếu là nhà phát triển ứng dụng hoặc nhà quảng cáo ứng dụng thì hẳn là bạn cảm thấy áp lực vì môi trường cạnh tranh quá lớn. Vậy làm sao để ứng dụng của bạn có được nhiều lượt tải xuống hơn? Cùng tìm hiểu Chiến dịch ứng dụng toàn cầu do Google cung cấp trong bài viết dưới đây để giải quyết câu hỏi này.
1. Chiến dịch ứng dụng toàn cầu là gì?
Chiến dịch ứng dụng toàn cầu (Google Universal App Campaign – Google UAC) là một nền tảng quảng cáo trả phí và tự động, đưa ứng dụng của bạn tới nhiều người dùng hơn và khuyến khích họ tải xuống.
Trước kia, để tiếp cận khách hàng các nhà phát hành và quảng cáo ứng dụng phải chạy các chiến dịch Google Ads riêng lẻ trên các kênh khác nhau (Google Search, Google Play, YouTube,…)
Giờ đây, Google UAC sử dụng những hình ảnh, video có sẵn trong danh sách cửa hàng dụng của bạn để sắp xếp các quảng cáo hiển thị chính trên 4 sản phẩm lớn nhất của Google: Google Search, Youtube, Google Play và Discover. Nói cách khác, chiến dịch ứng dụng toàn cầu là một chiến dịch quảng cáo tổng hợp đa kênh.

2. Chiến dịch ứng dụng toàn cầu có thể liên kết với những cửa hàng ứng dụng nào?
Google UAC trở thành một công cụ rất có giá trị đối với nhà quảng cáo ứng dụng vì nó cho phép tiếp cận khách hàng trên hầu hết thị trường di động khi có thể điều hướng người dùng dùng thiết bị Apple (iOS) và Android thông qua cả App Store và Google Play.
3. Chiến lược đặt giá thầu và nhắm mục tiêu
Mỗi loại Google UAC có một chiến lược đặt giá thầu thông minh được xác định trước bằng thuật toán máy tính để phù hợp với các mục tiêu của từng chiến dịch ứng dụng của bạn.
Các chiến lược đặt giá thầu thông minh bao gồm:
- Chi phí mỗi lần cài đặt mục tiêu (tCPI): tối ưu hóa để tối thiểu phí phải trả cho mỗi hành động tải và cài đặt ứng dụng phần mềm
- Chi phí mỗi hành động mục tiêu (tCPA): tối thiểu phí phải trả cho mỗi sự chuyển đổi đủ điều kiện như: click vào xem thêm thông tin, tải phần mềm ứng dụng)
- Lợi tức mục tiêu trên chi tiêu quảng cáo (tROAS): tối ưu hóa tỷ lệ doanh thu thu về so với chi phí quảng cáo bỏ ra.

Các chiến lược đặt giá thầu thông minh hoạt động song song với khả năng nhắm mục tiêu thông minh của Google. Tính năng nhắm mục tiêu được tối ưu hóa cho phép chiến dịch có thể linh hoạt tìm kiếm những khách hàng có nhiều khả năng chuyển đổi nhất dựa trên các mục tiêu của chiến dịch.
Bạn có thể cung cấp các từ khóa hoặc yêu cầu phân khúc đối tượng, hệ thống sẽ dựa những tiêu chí này để tìm những nội dung tương thích nhằm tăng hiệu quả hiển thị quảng cáo của bạn.
4. 5 loại chiến dịch ứng dụng toàn cầu
4.1. Chiến dịch ứng dụng toàn cầu cho lượt cài đặt
Trọng tâm chính của chiến dịch này là xây dựng luồng cài đặt ứng dụng mới ổn định và nhất quán để thu hút người dùng mới trên quy mô lớn. Nên chiến dịch Google UAC loại này lý tưởng cho các ứng dụng mới giúp tạo nhận thức về ứng dụng và xây dựng nền tảng cho các mục tiêu UAC lâu dài hơn, như thúc đẩy nhiều hành động trong ứng dụng hơn.
4.2. Chiến dịch ứng dụng toàn cầu cho lượt cài đặt nâng cao
Loại UAC này có phần kết hợp giữa chiến dịch tập trung vào thúc đẩy lượt cài đặt và chiến dịch tập trung vào thúc đẩy hành động trong ứng dụng. Mục tiêu chính cho chiến dịch này vẫn sẽ là thúc đẩy lượt cài đặt trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, bạn cũng sẽ có tùy chọn thu hẹp đối tượng được nhắm mục tiêu của mình thành những người dùng có khả năng thực hiện một hành động trong ứng dụng cụ thể sau khi cài đặt.

Ví dụ: bạn muốn tăng tỷ lệ người dùng mở cho ứng dụng sau khi cài đặt. Vì vậy, bạn chỉ định “mở sau khi cài đặt” là hành động trong ứng dụng mà bạn muốn người dùng thực hiện và lưu ý đến các tiêu chí này.
Google áp dụng dữ liệu hành vi người dùng và hiển thị quảng cáo cho những người dùng có nhiều khả năng mở nó lên sau khi cài đặt.
4.3. Chiến dịch ứng dụng toàn cầu tăng lượt hành động
Loại chiến dịch này thường là bước tiếp theo của 2 chiến dịch trước. Hướng tới những đối tượng người dùng sau khi cài đặt, mở ứng dụng và có các thao tác trong ứng dụng được xác định trước hoặc tùy chỉnh.
Khi khởi chạy chiến dịch UAC cho Hành động, thường mục tiêu nhắm tới sẽ là ngắn hạn và các thao tác đơn giản mà người dùng có thể thực hiện dễ dàng, như đăng ký tài khoản hoặc đăng nhập lần đầu.
Khi chiến dịch về lâu dài, bạn sẽ tiến tới các mục tiêu dài hạn, nhắm mục tiêu đến những người dùng sẽ thúc đẩy các hành động có mục đích cao hơn, chẳng hạn như mua hàng trong ứng dụng.
4.4. Chiến dịch ứng dụng toàn cầu tăng giá trị (*Beta)
Chiến dịch dài hạn xoay quanh việc tối ưu hóa hướng tới các sự kiện trong ứng dụng mang lại cho bạn nhiều lợi nhuận nhất, chẳng hạn như thúc đẩy người dùng hoàn thành một loại mua hàng trong ứng dụng cụ thể.
4.5. Chiến dịch ứng dụng toàn cầu cho lượt tương tác lại (Beta)
Đây là chiến dịch re-marketing, bạn sẽ có khả năng tạo và nhắm mục tiêu đến đối tượng trong các giai đoạn khác nhau của phễu ứng dụng. Ví dụ: bạn có thể nhắm mục tiêu đến đối tượng người dùng đã tương tác với ứng dụng của bạn, nhưng chưa hoàn thành mua hàng trong ứng dụng trong một số ngày được xác định trước.
Chiến dịch sẽ hoàn toàn tập trung vào việc thúc đẩy người dùng hoàn thành các hoạt động trong ứng dụng ở một tCPA được chỉ định.
*Beta: chiến dịch vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
5. 7 bước để thiết lập một Chiến dịch ứng dụng toàn cầu
- Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản Google Ads và điều hướng đến tab Campaigns. Từ đó, hãy nhấp vào dấu cộng màu xanh để tạo chiến dịch mới.
- Bước 2: Khi nhấp vào dấu cộng màu xanh, chọn New campaigns.
- Bước 3: Trên màn hình tiếp theo, bạn sẽ chọn loại mục tiêu chiến dịch bạn muốn sử dụng (App Promotion).
- Bước 4:Khi bạn chọn mục này, phần tiếp theo sẽ xuất hiện trong cùng một cửa sổ và điền trước loại chiến dịch “App”.
- Bước 5: Tùy chọn nền tảng ứng dụng và nhập tên. (Điều này sẽ cho phép Google tự động lấy một số dữ liệu của ứng dụng để tạo động các quảng cáo cho chiến dịch.)
- Bước 6: Thiết lập các cài đặt. Tại đây có thể chọn các vị trí địa lý và ngôn ngữ để nhắm mục tiêu, thiết lập ngân sách chiến dịch hàng ngày và chọn loại chiến lược đặt giá thầu UAC muốn sử dụng.
- Bước 7: Tạo nhóm quảng cáo và nhập nội dung quảng cáo của bạn.

6. 7 lưu ý để có hiệu suất quảng cáo với Chiến dịch ứng dụng toàn cầu
6.1.Tối ưu hóa định dạng quảng cáo trên các kênh khác nhau
Nếu bạn không cung cấp hình ảnh/video, Google sẽ tự động điều chỉnh các tài nguyên đã có trong danh sách cửa hàng ứng dụng thành các định dạng phù hợp để hiển thị.
Nhưng các quảng cáo chạy trên các nền tảng khác nhau sẽ hướng đến các đối tượng khác nhau, bởi vậy, bạn nên chủ động cung cấp hình ảnh/video thích hợp chiến dịch quảng cáo.
Bạn được phép thêm tối đa 20 hình ảnh và 20 video cùng với HTML5 cho quảng cáo đáp ứng và tương tác.
Chú ý thông số hình ảnh sử dụng trong Chiến dịch ứng dụng
Sử dụng hết các vị trí hiển thị với nhiều định dạng quảng cáo là lựa chọn tốt nhất trong chiến dịch. Nếu không có đủ tài nguyên cần thiết bạn nên tải lên ít nhất hai trong số các phiên bản thông số hình ảnh sau:
- Hình ảnh ngang cho quảng cáo gốc
- Hình ảnh dọc cho quảng cáo trung gian
- 320 x 50 pixel
- 320 x 480 pixel
- 300 x 250 pixel
Chú ý về Yêu cầu thông số kỹ thuật HTML5 của Chiến dịch ứng dụng
Tệp HTML5 được tải lên đảm bảo các yêu cầu sau:
- Định dạng: tệp .zip
- Kích thước: Không lớn hơn 1 MB
- Số lượng: tối đa 40 tệp
- Xác thực nội dung HTML5 trước khi tải lên với công cụ Trình xác thực HTML5 của Google Ads
Hiện tại, Google UAC chấp nhận các kích thước HTML5 sau:
- 480 x 320 (ngang)
- 320 x 480 (dọc)
- 300 x 250
- 320 x 50
Nội dung văn bản cho Chiến dịch ứng dụng toàn cầu
Bạn phải cung cấp bốn dòng văn bản sử dụng xoay vòng trong quảng cáo. Các dòng văn bản này phải có nội dung độc lập và Google sẽ ghép chúng để tối ưu hóa cho từng chiến dịch của bạn. Mỗi dòng văn bản chỉ được sử dụng tối đa 25 ký tự nên bạn cần phải trau chuốt ngôn từ súc tích và hợp lý.
6.2. Bắt đầu với Chiến dịch ứng dụng toàn cầu cho lượt cài đặt
Google UAC là chiến dịch tự động, vì vậy bạn cần phải cung cấp đủ tài nguyên cho hệ thống. Thiếu dữ liệu có sẵn, Google sẽ không thể tối ưu hóa các chiến dịch quảng cáo của bạn và tất nhiên là không thể đem lại hiệu quả.
Bắt đầu với Chiến dịch cài đặt bạn có thể biết được quảng cáo nào hiệu quả nhất. Quảng cáo càng hoạt động tốt, bạn càng phải trả ít hơn để cạnh tranh cho những lượt cài đặt đó.
6.3. Chạy các chiến dịch ứng dụng toàn cầu một thời gian trước khi điều chỉnh ngân sách
Google UAC là chiến dịch quảng cáo tự động nên cần thời gian để thu thập dữ liệu. Hãy chạy chiến dịch trong ít nhất 2-4 tuần để Google tối ưu hóa không chỉ các quảng cáo, vị trí đặt quảng cáo mà còn cả giá thầu quảng cáo.

Sau khi để chiến dịch chạy một thời gian, bạn có thể bắt đầu điều chỉnh ngân sách của mình cho phù hợp. Tuy nhiên, hãy thay đổi ngân sách theo từng bước nhỏ để Google có thể từ từ điều chỉnh chiến dịch.
Nếu thực hiện thay đổi ngân sách quá lớn khiến hệ thống mất thêm thời gian tối ưu hóa lại toàn bộ chiến dịch của bạn do dữ liệu đã thu thập và phân chia tài nguyên sai lệch nhiều so với ban đầu.
6.4. Ngân sách dành cho chiến dịch ứng dụng toàn cầu
Quyết định ngân sách cho chiến dịch quảng cáo là một thách thức. Một số lời khuyên cho ngân sách dưới đây có thể giúp ích cho những người mới bắt đầu đỡ khó khăn hơn. Như đã nói ở trên, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh ngân sách cho hợp lý sau 2-4 tuần chạy chiến dịch.
6.5. Ngôn ngữ quảng cáo phù hợp theo khu vực, quốc gia
Bạn chỉ nên chạy quảng cáo cho ứng dụng của mình tại một quốc gia khi ứng dụng của bạn đã có mặt trên cửa hàng ứng dụng tại các quốc gia đó.
Ví dụ: Game ABC được phát hành ở Trung Quốc từ rất lâu nhưng tại Việt Nam cả trên App Store (iOS) và Google Play (Android) đều chưa có, nên dù được nhiều người chơi Việt quan tâm nhưng không quảng cáo.
Google sẽ không tự động dịch quảng cáo nên khi chuẩn bị nội dung quảng cáo bạn cần làm sao cho phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của quốc gia đó. Một điều nữa là ứng dụng của bạn cũng phải có phiên bản đã được bản địa hóa như vậy.
6.6. Phân đoạn Chiến dịch ứng dụng toàn cầu
Bắt đầu phân đoạn chiến dịch bằng việc phân vị trí địa lý và ngôn ngữ. Việc tách các chiến dịch theo 2 tiêu chí này cho phép bạn nhắm đến đúng đối tượng bằng văn bản quảng cáo và hình ảnh phù hợp.

Ngoài ra, nếu bạn có hai quốc gia nói cùng một ngôn ngữ, chẳng hạn như Mỹ và Canada, bạn có thể sử dụng các hình ảnh khác nhau để thực hiện một loại kiểm tra A / B.
Vì vậy, nếu hình ảnh dùng cho chiến dịch tại Canada được phản hồi tốt hơn Mỹ, bạn hoàn toàn có thể thử cập nhật chiến dịch Mỹ với hình ảnh cho Canada.
Phân đoạn chiến dịch sẽ cho phép bạn nhắm các đối tượng chính xác hơn và mục tiêu cao hơn. Tuy nhiên, nếu phân đoạn quá nhiều sẽ khiến các quảng cáo của bạn cạnh tranh với nhau và mất thêm CPA hoặc CPI, vì vậy hãy cân nhắc và bám sát vào các phân đoạn quảng cáo.
6.7. Kiểm tra quảng cáo của bạn trước khi chạy chiến dịch ứng dụng toàn cầu
Nếu quảng cáo của bạn không chuyển đổi thành hành động thì ngân sách bạn bỏ ra đã hoàn toàn lãng phí. Bởi vậy, nên kiểm tra chiến dịch của bạn vài lần trước khi chuyển cho thuật toán của Google là điều rất cần thiết.
Hi vọng rằng với bài viết trên có thể giúp bạn hiểu được thế nào là Chiến dịch ứng dụng toàn cầu, cũng như các vấn đề liên quan đến nó, như: Cách cài đặt và 7 lời khuyên giúp sử dụng chiến dịch ứng dụng toàn cầu hiệu quả. Chúc các bạn quảng bá ứng dụng của mình thành công!
Các nguồn tham khảo: Appradar.com, effectivespend.com