Nội dung chính của bài viết
- Thương mại điện tử hiện đại là gì?
- Xu hướng thương mại điện tử bùng nổ sau Covid-19
- Những xu hướng thương mại điện tử mới nhất trên thế giới 2021
- 1. Xu hướng thương mại điện tử trên di động
- 2. Video marketing trong xu hướng phát triển thương mại điện từ
- 3. Sự hỗ trợ của AI – Đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa
- 4. Xu hướng thương mại điện tử mới: Tận dụng nền tảng mạng xã hội và kết hợp với KOL
- 5. Xu hướng thanh toán kỹ thuật số trong thương mại điện tử
- 6. Xu hướng thương mại điện tử – tìm kiếm bằng giọng nói
- Kết luận
Thương mại điện tử đang trở nên bùng nổ, đặc biệt là sau khi Covid-19 xuất hiện. Hãy cùng tìm hiểu các xu hướng thương mại điện tử hiện hành được ưa chuộng nhất năm 2021 qua bài viết dưới đây.
Thương mại điện tử hiện đại là gì?
Thương mại điện tử là quá trình giao dịch giữa các bên trao đổi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua Internet. Trên thế giới, Amazon và eBay là những thương hiệu tiên phong ứng dụng thương mại điện tử để mua bán hàng hóa trực tuyến trên thị trường và đã đạt được những thành công rực rỡ.
Tại Việt Nam, xu hướng thương mại điện tử cũng bắt đầu nở rộ từ những năm 2015-2016 với sự ra đời của hàng loạt cái tên như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Càng ngày xu hướng mua bán thông qua thương mại điện tử cùng phát triển, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo ngay sau đây nhé.
Xu hướng thương mại điện tử bùng nổ sau Covid-19
Đại dịch Covid-19 đi kèm giãn cách xã hội là những yếu tố khiến người dùng thay đổi thói quen từ trước tới nay là mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, chợ, siêu thị. Thay vào đó, người lớn tuổi và các đối tượng vốn chỉ quen thuộc với cách mua hàng truyền thống cũng cân nhắc chuyển sang xu hướng thương mại điện tử.
Với sự xuất hiện của vô vàn ứng dụng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Zalora…, khách hàng có nhiều tùy chọn để dễ dàng mua sắm mọi thứ, từ các mặt hàng thiết yếu cho tới quần áo, mỹ phẩm, hàng công nghệ, điện tử và thậm chí là các dịch vụ. Sở hữu nhiều ưu điểm như thao tác trên di động dễ dàng, mặt hàng đa dạng, giao hàng tận nhà, hạn chế tiếp xúc thì xu hướng thương mại điện tử ngày càng phát triển là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Ngành thương mại điện tử đang mang lại nhiều dấu hiệu khởi sắc cho nền kinh tế vốn đang chịu nhiều tác động nghiêm trọng từ đại dịch. Theo báo cáo của Lazada công bố gần đây, tại Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, có tới 52% người bán đã đạt mức tăng trưởng doanh thu cao trong nửa đầu năm 2021.
Theo báo cáo của Facebook cuối tháng 6/2021, mua sắm qua thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới thay vì chỉ là hình thức ngắn hạn trong thời kỳ dịch bệnh. Trong báo cáo này, 81% ý kiến người tiêu dùng cho thấy họ đã thay đổi thói quen mua sắm từ khi Covid-19 bùng phát, 92% trong số đó khẳng định sẽ tiếp tục thói quen này trong tương lai, dù có dịch bệnh hay không. Các chuyên gia thương mại điện tử cũng dự đoán rằng, thương mại điện tử sẽ dần chiếm ưu thế so với mua sắm truyền thống.
Những xu hướng thương mại điện tử mới nhất trên thế giới 2021
1. Xu hướng thương mại điện tử trên di động
Mua sắm trên các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng đang trở thành xu hướng thương mại điện tử phổ biến bởi tính tiện dụng, cho phép khách hàng mua hàng mọi lúc mọi nơi. Do đó, nếu một website thương mại điện tử không hiển thị tốt trên các thiết bị di động hoặc không có phiên bản ứng dụng phù hợp cho Android/Ios, thì công ty đó đã bỏ lỡ cơ hội rất lớn.
Theo ước tính từ Statista năm 2019, cuối năm 2021 73% doanh thu thương mại điện tử sẽ đến từ thiết bị di động. Trong đó, tích hợp thanh toán di động nhiều hơn là một thay đổi mang tính chủ chốt để dẫn đến kết quả trên.
2. Video marketing trong xu hướng phát triển thương mại điện từ
Các hình thức Marketing thương mại điện tử ban đầu chỉ xoay quay các nội dung văn bản sau đó chuyển sang tập trung vào hình ảnh. Tuy nhiên hai năm trở lại đây, Video Marketing đang chứng tỏ mình là một công cụ lợi hại trong việc truyền tải nội dung và thúc đẩy doanh số trên các trang thương mại điện tử.
Video Marketing thu hút một lượng lớn người xem với bản chất toàn diện, không gây ra cảm giác tẻ nhạt. Chúng giúp các nội dung về sản phẩm, dịch vụ trở nên sống động khi kết hợp toàn diện hình ảnh, lời thoại, âm thanh.
Video là một cách thức tuyệt vời để thu hút sự chú ý của khách hàng, điều này được chứng minh qua các số liệu thống kê thực tế:
– Một người có khả năng xem video cao gấp 4 lần so với đọc mô tả sản phẩm
– 73% người tiêu dùng có khả năng mua sản phẩm nhiều hơn sau khi xem video giới thiệu
– Tỷ lệ thoát trang giảm đáng kể trên các trang web có video sản phẩm, thời gian khách truy cập trung bình tăng hơn 340%
– 52% người mua hàng cho biết sau khi xem video sản phẩm, người tiêu dùng tin tưởng hơn để quyết định mua hàng.
Nhìn vào những con số này, có thể thấy rằng Video Marketing sẽ định hướng rõ thương mại điện tử trong một thời gian dài.
3. Sự hỗ trợ của AI – Đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa
Trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng trong thương mại điện tử để xác định xu hướng tìm kiếm của khách hàng, phân tích hành vi khách hàng và đưa ra các đề xuất sản phẩm chọn lọc cho riêng từng cá nhân.
Xu hướng thương mại điện tử này giúp giải quyết bài toán tìm kiếm của khách hàng, tạo ra trải nghiệm mua sắm tuyệt vời và tạo ấn tượng với khách hàng. Ngoài ra chúng còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian khảo sát,thu thập dữ liệu và tăng doanh số bán hàng.
4. Xu hướng thương mại điện tử mới: Tận dụng nền tảng mạng xã hội và kết hợp với KOL
Theo báo cáo mới đây của Facebook, 51% số người tiêu dùng tham khảo sát trên thế giới chọn mua sản phẩm từng được người nổi tiếng, các blogger, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) giới thiệu. Có thể thấy tầm ảnh hưởng của KOL thu hút người dùng như thế nào, đồng thời cũng giúp gia tăng niềm tin đối với sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Nhìn nhận xu hướng này, hình thức KOL Affiliate, hay còn gọi là chương trình tiếp thị liên kết dành cho những người có sức ảnh hưởng ra đời. Đây là một trong những hình thức đã được các trang thương mại điện tử hàng đầu như Amazon hay Taobao áp dụng đầu tiên.
Tại Việt Nam, Lazada tiên phong trong hình thức này khi mời rất nhiều KOL trong lĩnh vực thời trang và làm đẹp tham gia các Livestream trên nền tảng thương mại điện tử này. Đến nay, hình thức này đã rất được ưa chuộng trên nhiều sàn thương mại điện tử lớn, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn thương hiệu đối tác và các nhà bán hàng.
5. Xu hướng thanh toán kỹ thuật số trong thương mại điện tử
Tối ưu hóa các hình thức thanh toán thuận lợi nhất cho khách hàng là một điểm quan trọng trong xu hướng thương mại điện tử hiện nay. Khách hàng có thể rất ưng ý với sản phẩm, nhưng khi họ không thể thanh toán theo cách mình muốn hoặc thanh toán khó khăn, họ hoàn toàn có thể hủy quyết định mua hàng.
Bên cạnh đó, nếu khách hàng có thể lưu thông tin thanh toán lại trên website hoặc ứng dụng, thì họ sẽ dễ dàng thanh toán lần tiếp theo. Từ đó cũng góp phần thúc đẩy các lần mua hàng tới của khách hàng.
Hiện nay thanh toán kỹ thuật số là phương thức được ưa chuộng nhất trên các trang thương mại điện tử. Theo Shopee, tổng số đơn đặt hàng thanh toán qua ví điện tử ShopeePay đã tăng gấp 4 lần trên toàn khu vực. Đáng chú ý là nhóm tăng trưởng mạnh nhất là nhóm người dùng từ 50 tuổi trở lên.
Các phân tích của các chuyên gia, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các điểm kinh doanh trực tiếp cũng nhận thức được xu hướng này nên ngày càng thân thiện hơn với các giải pháp thanh toán online như Internet Banking, QR Code, Ví điện tử. Điển hình trong năm 2021, số lượng cửa hàng đối tác tại Việt Nam của ví điện tử ShopeePay đã tăng gấp 2 lần, bao gồm những đối tác lớn như Guardian, 7-Eleven, My Kingdom…
Bà Winnie Wong, Giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Lào, Campuchia đã đưa ra nhận định “”Sự gia tăng trong việc áp dụng thanh toán điện tử ở Việt Nam khuyến khích các tổ chức tài chính hợp tác và đưa ra nhiều phương thức thanh toán an toàn và liền mạch thông qua các điểm giao dịch”. Chứng tỏ tầm quan trọng của xu hướng sử dụng thanh toán kỹ thuật số hiện tại.
6. Xu hướng thương mại điện tử – tìm kiếm bằng giọng nói
Mua sắm bằng giọng nói là một trong những xu hướng thương mại điện tử đáng chú ý của thế giới trong năm 2021. Mặc dù đã xuất hiện từ năm 2018 nhưng bắt đầu từ năm 2021 mới trở nên phổ biến.
Hiện tại con người ngày càng sử dụng nhiều công cụ trợ lý giọng nói như Google Assistant, Alexa, Amazon Echo để tìm kiếm sản phẩm, thông tin dịch vụ, gửi tin nhắn, thậm chí là soạn văn bản…
Theo dự đoán của Voiceboat, 75% người Mỹ sẽ có loa thông minh vào năm 2025. Thực tế cho thấy, khi thương mại điện tử bằng giọng nói xuất hiện có thể thu về 40 tỷ đô la vào năm 2022. Amazon và Google cũng đang đẩy mạnh ngôn ngữ nhiều thứ tiếng trong trợ lý giọng nói để hỗ trợ khách hàng mua sắm thoải mái, thuận tiện nhất.
Kết luận
Trên đây là các xu hướng thương mại điện tử nổi bật của năm 2021. Theo dự đoán của các chuyên gia, những xu hướng này sẽ còn tiếp tục thịnh hành trong những năm sắp tới. Bạn có đang chịu ảnh hưởng từ các xu hướng này hay không? hãy cho chúng tôi biết nhé.